Chuyển nhượng cầu thủ

Real Madrid mua David Beckham. Barcelona phỗng tay trên MU trong phi vụ Ronaldinho. Trần Trường Giang chuyển từ Tiền Giang về Bình Dương với giá một tỷ đồng,...
Thật nhiều nhiều những tin chuyển nhượng cầu thủ rất hấp dẫn trong mấy tuần nay.
"Bộ hết chuyện nói rồi sao lại quay ra nói chuyện đá banh hả?". Chắc bạn đang cằn nhằn như vậy. Ừm, quả là cũng có phần nào như vậy thiệt, nhưng chuyện tôi sắp kể ở đây là chuyện bình loạn thị trường công nghệ thông tin mà, xin mời hãy xem sẽ rõ!
Anh bạn tôi làm nghề đì-dzai bằng máy tính, nghĩa là tối ngày loay hoay với Phô-tô-sốp, Cô-Ren-Rò để thiết kế mẫu quảng cáo, phục chế ảnh,... Mới đây, hắn khoe với tôi: “Tớ mới vừa "chuyển nhượng" một chuyên viên kỹ thuật cho công ty bạn với giá năm triệu đồng”.
Hóa ra hắn có một anh thợ, chăm lo đào tạo từ thuở i tờ, đến nay đã thành nghề. Trong thời gian đó, anh này phụ việc cho hắn trong công chuyện đì-dzai. Nay có đơn vị khác có nhu cầu tuyển dụng người, xin "mua cầu thủ" hắn đang có để đỡ tốn công đào tạo, hắn bèn vui vẻ giải quyết.

Chuyện đào tạo và sử dụng con người là chuyện đau đầu cho các nhà kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực phần mềm và những ngành đòi hỏi kỹ năng thực tế cao (như việc đì-dzai nêu trên). Nhiều doanh nghiệp phải "cười đau khóc hận" sau khi đã tốn bao nhiêu tiền của để đào tạo nhân viên thành tài, thế rồi những nhân viên ấy bèn "rũ áo sang ngang" sang "làm dâu" nhà người khác! Có không ít trường hợp những "thiên tài" ấy sau khi đã nên danh bèn tỉnh bơ nghỉ việc để thành lập công ty riêng, quay lại "kênh xì-po" với nơi đã cưu mang mình từ thuở hàn vi.
Mà trong ngành lập trình, vốn lớn nhất đâu phải tiền bạc, máy móc thiết bị, mà chính là... cái đầu. Vì vậy, khi một "chuyên gia" rũ áo ra đi thì doanh nghiệp mất cả chì lẫn chài!
Suy cho cùng, điều nêu trên cũng là một "quy luật tự nhiên" bởi vì cá nhân nào cũng cần có môi trường thích hợp để có thể phát triển tài năng của mình ở mức cao nhất. Nếu đơn vị hiện nay không đáp ứng được nhu cầu phát triển (định hướng của công ty) và nhu cầu vật chất (lương bổng) của mình thì mình cần phải ra đi để "hướng tới một chân trời tươi sáng". Chỉ tội cho cái anh đã bỏ công bỏ của đào tạo con người rồi đành trơ mắt ếch nhìn "sản phẩm" của mình vui duyên mới.
Thế nên nhìn cái quy chế chuyển nhượng cầu thủ ngẫm cũng có lý. Tôi đào tạo anh, tôi ký hợp đồng với anh năm, ba năm gì đó, hết hạn hợp đồng anh thành cầu thủ tự do, muốn đi đâu thì đi tôi không được quyền giữ, còn trong thời gian hợp đồng ai muốn "chuyển nhượng cầu thủ" thì xin mời trả giá. Được như thế thì cả hai đều có lợi - cả ba chứ, vì bên "mua cầu thủ" cũng làm một phi vụ kinh doanh thuận mua vừa bán!
Dĩ nhiên, tin học không phải là bóng đá, cho nên đây chỉ là ý tưởng chứ không phải là thực tế. Nhưng có lẽ gợi ý này cũng đáng để suy ngẫm các bạn nhỉ?
Trên thực tế, có ít nhất một trường hợp chuyển nhượng như thế đã xảy ra. Đó là trường hợp tôi đã kể ở trên. Trong trường hợp này, tôi thấy cả ba bên đều vui vẻ. Bên "bán" được bồi hoàn chi phí bỏ ra, "cầu thủ" chọn được "đội bóng" mình ưa thích, còn bên "mua" cũng hài lòng vì mình có "sản phẩm" dùng được ngay, đỡ mất thời gian đào tạo.
Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, bên cạnh thị trường phần cứng, phần mềm, thị trường nhân lực cũng là cả một lĩnh vực lớn, rất đáng quan tâm. Bạn nghĩ xem, có phải không?
__
eChip số 24 - 2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét