Điệp vụ bí mật

19 giờ 38 phút 47 giây. Y xuất hiện ở góc phố. Áo khoác đen, quần đen, kính đen.

Xin nhắc lại, bây giờ là 19 giờ 38 phút 54 giây. Có nghĩa là trời đã tối. Thế mà y lại đeo kính râm. Trông rất khả nghi.

19 giờ 43 phút 15 giây. Y đã bước vào ngôi nhà ấy. Y giơ tay chào một cô gái quyến rũ ngồi cạnh cửa ra vào. Cô ta nháy mắt một cách bí hiểm với y, và khoát tay chỉ sang bên phải. Y khẽ gật đầu rồi lặng lẽ bước sang phía đó. Nơi đó, một gã mặt lạnh như tiền đang ngồi đọc báo. Không ngẩng đầu lên, gã hỏi:
  • Tên? 
Y nhếch mép cười, không trả lời, móc túi đưa cho gã mặt lạnh một tấm thẻ nhỏ, dường như là chứng minh thư. Gã này cầm lấy, vẫn không nói tiếng nào, cắm cúi ghi những thông tin của tấm thẻ ấy vào một cuốn sổ to tướng. Y kiên nhẫn đứng chờ.

Món quà Noel ngày ấy, và bây giờ...

Bạn đã đọc truyện ngắn “Quà tặng của những nhà thông thái” của O'Henry chưa? 

Xin mạn phép được tóm tắt để hầu chuyện các bạn nhé.

Della và James là đôi vợ chồng nghèo. Noel đến khi Della chỉ còn trong tay một đồng tám mươi bảy xu. Nàng rất buồn vì không biết làm sao có thể mua cho người chồng thân yêu của mình món quà Noel là một sợi dây đeo cho chiếc đồng hồ đeo tay vàng - vật quý giá duy nhất của anh.
Cuối cùng Della quyết định bán mái tóc - vật quý giá duy nhất của nàng - với giá hai mươi đồng. Nàng đã mua được món quà cho James với giá 21 đồng, còn lại 87 xu trong tay. 

Della hồi hộp chờ James về. Và khi James về đến, anh sửng sốt nhìn nàng. Không phải vì mái tóc Della cắt ngắn đi khiến anh không yêu nàng nữa, mà vì món quà anh mua tặng Della chính là chiếc kẹp tóc nàng hằng mong ước. Bây giờ mái tóc nàng đã ngắn rồi, không kẹp được nữa.

Della không buồn, nàng hân hoan lấy món quà đã mua tặng James ra trao anh. Đến lượt James ngỡ ngàng. Anh đã không còn có thể sử dụng món quà ấy nữa, vì anh đã bán chiếc đồng hồ vàng để mua kẹp tóc cho Della.

Đôi vợ chồng ấy ngây thơ như hai đứa trẻ. Và dù rằng món quà họ trao nhau không sử dụng được, nhưng tình yêu của họ dành cho nhau thật là dễ thương.
.............. 

Sát thủ

Theo lời giới thiệu của người quen, tôi tìm đến cơ sở của hắn. Gọi là cơ sở cho oai chứ thật ra chỉ là căn phòng nhỏ xíu, bên trong đồ đạc để ngổn ngang, phía ngoài có dán một mảnh giấy in chữ: DỊCH VỤ SỬA CHỮA LINH KIÊN MÁY TÍNH.
Lời đồn của giới giang hồ quả không ngoa. Tôi vừa nhìn vào đã thấy hắn đang xoay tít một thứ binh khí gì đó trong tay, như Lệnh Hồ Xung đang luyện Độc cô cửu kiếm. Quả là bậc hảo hán, danh bất hư truyền.
Chưa kịp nhìn ra loại binh khí hắn đang vũ lộng thần oai là gì, tôi bỗng nghe hắn thét lên một tiếng "Chụp lấy" và ném thẳng món binh khí ấy vào mặt tôi.
Kinh hoàng, tôi né qua một bên và thi triển chút võ công thô thiển của mình bắt lấy món binh khí quái lạ ấy. Định thần nhìn lại, tôi nhận ra loại binh khí mà hắn sử dụng ấy chính là... một cái ổ đĩa cứng!
Hắn khà lên một tiếng sảng khoái: “Hảo huynh đệ! Hãy ném trả lại đây cho tại hạ!”

Con đường đi đến tình yêu

Không phải Con đường tình ta đi, cũng không phải “Con đường có lá me bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau về”... như ta từng nghêu ngao vào một chiều tàn thu nào đó.
Ai đó đã nói rằng: Con đường đi đến tình yêu phải thông qua... bao tử!
Em ơi, anh nghe mà buồn quá. Ai lại biến tình yêu trở thành chuyện “phàm phu tục tử” như thế cơ chứ. Ta yêu nhau qua nụ cười, ánh mắt, qua những cử chỉ trìu mến, chăm sóc cho nhau, chứ sao lại qua những thứ thức ăn ngốn vô bao tử?
Thế nhưng, hãy nghe những “kẻ phàm phu” lý giải ra sao.
Khi mới quen nhau, hẹn hò nhau đi chơi, chẳng lẽ cứ đi lang thang với cái bụng rỗng? Chàng và nàng phải bước vào một quán ăn, một nhà hàng nào đó để vừa dùng bữa, vừa trò chuyện với nhau. Hãy tưởng tượng xem đó là một bữa ăn “nuốt không trôi” thì cuộc tình có còn gì lãng mạn nữa?
Khi đã sống cùng nhau, mỗi chiều (tối) anh đi làm về, cùng ngồi bên em và con quanh mâm cơm gia đình thì hạnh phúc biết bao. Nếu mâm cơm vừa sống, vừa khê thì biết làm sao, chả lẽ đi... “ăn phở”.

Thầy giáo “mì ăn liền”

(Thân tặng các thầy-giáo-không-bằng-cấp)
HAI ẨU
Hàng năm, cứ đến ngày 20 tháng 11 là hắn lại băn khoăn tự hỏi: Không biết mình có phải là thầy giáo không nhỉ?

Có thể lắm chứ! Bởi vì tối nào hắn chẳng lên lớp dạy tin học văn phòng tại các trung tâm tin học. Và các em, anh, chị, ông, bà học viên chẳng gọi hắn bằng “thầy” đó sao?

Nhưng mà không thể! Bởi vì đã là thầy ắt phải hơn trò, ít ra là về bằng cấp. Mà hắn thì có bằng cấp gì đâu. Chỉ là một gã trung cấp kế toán, làm việc cho một công ty quèn. May nhờ công việc cần tiếp xúc với máy tính nhiều, hắn sử dụng thành thạo Word, Excel để xử lý văn bản, làm báo cáo kế toán, bây giờ đem mớ kinh nghiệm đó ra “kể” lại cho người khác cùng nghe. Còn học viên của hắn là ai? Kỹ sư có, cử nhân có, bác sĩ có, giáo viên có... Nghĩa là hầu như tất cả đều xứng đáng làm... thầy của hắn.

Nhưng, sao lại không thể? Học viên của hắn hơn hắn ở những ngành nghề khác, còn trong lĩnh vực tin học rõ ràng họ đang phải nghe hắn dạy, tức là kém hơn hắn rồi. Thế thì hắn là thầy đứt đuôi con nòng nọc chứ còn gì nữa!


Tôi đi học

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, CON tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.

Nơi tôi đến học là UBND xã. Thầy dạy tôi học là mấy chú kỹ sư trên Sở Khoa học Công nghệ tỉnh. Và cái thứ mà tôi học là: Sử dụng Internet.

Trong bài diễn văn khai trường (khai mạc hay khai trường thì cũng là khai), ông đốc (đốc học hay giám đốc âu cũng là đốc) nhấn mạnh: “Từ nay công nghệ thông tin đã đến xã, Internet đã đến với ruộng đồng, các bác nông dân chỉ cần đến đây truy cập Internet sẽ nắm mọi thông tin khoa học kỹ thuật phục vụ cho công chuyện làm ăn của mình, các bác cũng nắm ngay được mọi diễn biến thời sự của tỉnh nhà, của đất nước và của cả thế giới.”

Sướng hè! Hồi nào tới giờ tôi chỉ ngó thấy xấp nhỏ tụi nó xài cái máy vi tính chớ còn riêng mình tôi chưa dám rờ tới lần nào. Ờ, mắc cỡ là một chuyện, chuyện nữa là mình không biết xài, bấm bậy bạ lỡ nó... nổ một phát thì có mà chết cả đám.


Quảng cáo đâu phải dễ xơi như... cháo

Hãy tưởng tượng xem, thời buổi này muốn bán chạy hàng mà không thèm quảng cáo, liệu có được không? Bán hàng mà không quảng cáo như bán chè gánh mà không rao!

Thế nhưng quảng cáo như thế nào không hề là chuyện đơn giản. Bạn thấy đó, vô số quảng cáo xuất hiện trên báo, trên ti-vi,... khiến bạn xem xong bắt ứa gan phải buột miệng: “Vô duyên, thấy mà ghét!” Và hệ quả là bạn ghét luôn cái sản phẩm được quảng cáo ấy!

Có muôn vàn lý do để một mẩu quảng cáo thất bại: nào là không phù hợp tâm lý người Việt, nào là không tương hợp về văn hóa, thậm chí vi phạm thuần phong mỹ tục, v.v...

Đó là lý do mà trên thế giới, quảng cáo đã trở thành một công nghệ, có cả khoa chuyên dạy quảng cáo.

Còn ở xứ mình, chính vì thế mà Hai Ẩu sau nhiều đêm không ăn, nhiều ngày không ngủ quyết định lập ra Công ty quảng cáo Hai Ẩu để đáp ứng nhu cầu thiết kế quảng cáo của mọi người, mọi nhà.

Công việc chính của công ty là đưa ra được câu “slogan” (tạm dịch là “khẩu hiệu”) cho sản phẩm của bạn. Công ty đã hoàn thành một phần mềm máy tính, theo đó khách hàng chỉ cần đưa ra những nội dung, yêu cầu của mình, chương trình máy tính sẽ tự động xử lý, truy tìm trong kho dữ liệu của nó để đưa ra những câu quảng cáo súc tích, dễ nhớ - chẳng những thế, lại còn đậm đà bản sắc dân tộc.


Con cái chúng ta giỏi thật!


  • Chào anh Hai, lúc này anh thế nào? Nghe nói anh đang làm việc gì đó liên quan đến máy tính phải không?

  • Gặp anh thiệt là may, tôi không làm gì liên quan đến máy tính nhưng máy tính có liên quan đến... thằng con tôi. Thằng nhỏ giỏi về máy tính lắm, tối ngày nó chỉ loay hoay bên máy tính không à. Ai cũng khen!
Bây giờ có nhiều đứa trẻ suốt ngày ngồi bên máy tính, cha mẹ tụi nó tưởng con mình học tin học nhưng đâu dè tụi nó chỉ chơi game giống thằng gì con Năm Mập đó. Con tôi thì không như vậy, nó không ham chơi.
Cũng có mấy đứa nhỏ tối ngày ngồi lì ở mấy điểm dịch vụ Internet, tưởng nghiên cứu gì ghê gớm, hóa ra chỉ có chít chát vớ vẩn, lãng phí thời gian và tiền bạc. Con tôi coi khinh mấy đứa đó!
Do tự thấy mình giỏi nên vừa rồi con tôi quyết định xin vào một công ty tin học để phát huy năng lực của mình. Cũng nhờ vậy tôi mới tin là nó có tài năng phi thường...

Tội anh lắm em ơi !

Như nhiều người khác, Hải Âu cũng có một người để thương và để nhớ. Do là “chuyên gia CNTT” nên khác với một số người, Hải Âu bày tỏ tình cảm của mình theo kiểu của một “chuyên gia CNTT” và thường xuyên bị... “tổ trác”. Cụ thể, e-mail này Hải Âu gửi cho người yêu nhưng lại “send” lộn vào mailbox của e-CHÍP...
e-CHÍP chẳng bỏ lỡ cơ hội “trên... mạng rơi xuống” xin phép Hải Âu cho đăng e-mail này như một cách để giúp các Juliette ngày nay dễ cảm thông hơn cho những Romeo thời đại...
Em thương yêu,
Vậy là ngày Valentine lại sắp tới, anh ngàn lần bối rối, không biết phải mua gì tặng em nhân ngày lễ này như là một bằng chứng về tình yêu và sự chung thủy của anh?
Anh vẫn còn nhớ như in cái lần anh tìm ra em trong hàng tỷ người trên cõi đời này. Hồi đó, em ngồi ngơ ngác bên chiếc máy tính và anh có cớ sà vào để giúp em sử dụng máy. Cho tới giờ, anh vẫn còn “đội ơn” người đã tạo ra máy tính. Thiếu máy tính làm sao anh có dịp gần gũi với em để cuộc tình tụi mình nở hoa. Cũng vì vậy, hàng năm, cứ tới Lễ Tình nhân là anh chọn gửi cho em một sản phẩm CNTT để làm quà vì nó vừa hiện đại, vừa nhiều ý nghĩa...

Thời đại SỐ

Hai Lúa là một nông dân chính gốc. Thế nhưng anh không phải là một gã nhà quê cục mịch mà luôn để ý đến những tiến bộ mới của công nghệ. Thí dụ, anh nghe nói bọn trẻ bây giờ khoái nghe nhạc số, thế là anh cũng cạy cục quyết nghe nhạc số cho... giống bọn chúng.
Hai Lúa nghĩ, chuyện này quá dễ. Anh đi sưu tập được một lô, một lốc nhạc số. Nào là TRIỆU đóa hồng, nào là Thương hoài NGÀN năm, nào là Người tình TRĂM năm... Đấy, không phải nhạc số thì là gì?
Chưa kịp hiểu ra nhạc số như thế thì có gì lạ so với nhạc không số thì Hai Lúa lại nghe nói bọn trẻ bây giờ khoái chụp ảnh số. Hai Lúa tò mò, không hiểu chụp ảnh số nghĩa là sao. Anh nhớ có lần mình chụp ảnh số là lần chụp ảnh... làm chứng minh nhân dân, khi đó anh có mang một bảng số (số chứng minh nhân dân của mình) trước ngực. Và hình như còn một trường hợp chụp ảnh số nữa, anh không bị chụp nhưng nhìn thấy ảnh số trên báo, đó là ảnh... tội phạm hay ảnh tù, có số tù trước ngực! Quái, như vậy ảnh số có gì hay mà bọn chúng khoái thế nhỉ?

No question!

Chẳng biết do ai giới thiệu mà Hai Ẩu được mời tham dự một buổi hội thảo về giải pháp ứng dụng phần mềm. Đầu buổi hội thảo, Hai Ẩu còn lờ mờ hiểu được vấn đề, nhưng càng nghe, càng lơ mơ, và cuối cùng là mù tịt, hổng hiểu gì hết. Sợ người ta nhìn thấy gương mặt ngơ ngác của mình sẽ biết mình... ngu, nên Hai Ẩu len lén chuồn ra ngoài, kiếm chỗ ngồi “nghỉ mệt” ở hành lang phòng họp.
Vừa bước ra ngoài, Hai Ẩu đã gặp một anh chàng ngồi sẵn ở đấy tự lúc nào. Thầm nghĩ, chắc thằng cha này giống mình, thậm chí còn "ngu" hơn mình nữa vì hắn chuồn ra trước cả mình cơ mà, Hai Ẩu bỗng thấy đồng cảm và nảy ra ý muốn làm quen.
Lân la đến gần anh ta, Hai Ẩu bắt chuyện: Nội dung hội thảo cao siêu quá, anh nhỉ?
Anh ta lườm Hai Ẩu, nói: Trò trẻ con ấy, nghe mà phát chán!
Rồi khẽ khàng hỏi Hai Ẩu: Mà này, anh bạn đã từng biết tôi chưa nhỉ?
Biết mình đã gặp một cao nhân, Hai Ẩu bèn bắt chước Quách Tĩnh đại hiệp trả lời một câu rất hào sảng: Tại hạ hâm mộ quý tiền bối đã lâu. Xin... cho biết quý danh.
Anh ta trịnh trọng đưa một tấm cạc: Giám đốc một công ty cung cấp giải pháp phần mềm.

Cơm tù

Lâu ngày gặp lại, tôi dành hẳn nửa buổi sáng để trò chuyện với một người bạn từ hồi còn đi học. Thăm hỏi nhau đôi câu về gia đình, rồi chuyện cũ, chuyện mới dắt dây, đưa đẩy một hồi cũng tới chuyện máy tính và tin học là đề tài chúng tôi cùng quan tâm vì dính dáng đến công việc hàng ngày của cả hai. Vậy mà không hiểu sao, anh bạn tôi đột ngột bẻ cua lái câu chuyện sang đề tài “cơm tù”.
- Cơm tù đây không phải là cơm dành cho tù nhân ở trong khám, mà là các quán cơm dành cho hành khách đi xe đò. Báo chí đã nói nhiều và dư luận cũng đã lên án các chủ quán vô lương tâm này. Nhưng, theo tôi, trong các vụ cơm tù, nếu chủ quán gian ác một thì cánh lái xe gian ác tới mười. Bởi vì hành khách ngồi trên xe, họ không thể chủ động ghé đâu được mà trăm sự đều phải nhờ ông “cán bộ đường lối” (từ người ta thường dùng để gọi tài xế). Lái xe lái hành khách đến đâu thì hành khách đến đó, đơn giản vì hắn ta là... người cầm lái.

Như loài chim di trú

Chuyên gia điểu học Hải Âu đã đến tuổi về hưu.
Các con sợ ông buồn nên dành hẳn một bộ máy vi tính để ông giải khuây và cũng để phục vụ công tác nghiên cứu trong những ngày tháng hưu trí. Đó là một bộ máy tính cũ, đã hỏng, cho nên bọn con cháu trong nhà mang đi sửa chữa, nâng cấp trước khi giao Hải Âu sử dụng.
Theo thói quen của một nhà điểu học, ông lui cui đánh dấu vào từng linh kiện máy tính trước khi mang máy đi nâng cấp, như ông vẫn thường đeo khoen vào cổ loài chim để xác định bản đồ di trú của chúng.
Máy tính nâng cấp xong, một số linh kiện đã được thay đổi. Chuyên gia Hải Âu hí hoáy ghi vào sổ nghiên cứu của mình: "Giống như loài chim thiên di, linh kiện máy tính có thể bay đi khỏi nơi nó đang sinh sống".
Máy vi tính là nguồn an ủi của nhà điểu học Hải Âu lúc tuổi già, ông luôn cặm cụi bên máy để ghi chép những nghĩ suy, phát hiện của mình về loài chim.
***

Tội nghiệp thằng nhỏ!

Cái máy tính cu Tí đang xài là do ba cho tiền mua.
Anh Hai là người cài đặt các chương trình trên máy cho cu Tí để vừa chơi, vừa học.
Má là người xem xét giờ nào, ngày nào cu Tí được ngồi với máy tính.
Như bao nhiêu thằng nhóc khác trên cõi đời này, cu Tí rất ghiền cái máy tính, nếu mà được ôm cái máy tính suốt ngày thì sướng biết bao. Thế nhưng cu Tí là một đứa bé ngoan, biết nghe lời người lớn. Nó biết, ba mua máy tính cho nó không phải để chơi game, mà còn để học. Má dặn nó là phải xài máy tính có giờ có giấc, không được ảnh hưởng đến việc học tập ở trường. Anh Hai kiểm soát các chương trình trên máy tính của nó để nó khỏi dính vô mấy chương trình bậy bạ. Tóm lại, cu Tí có được sự quản lý chặt chẽ của người lớn trong việc sử dụng máy tính.
***
Hôm nay là Chủ nhật. Ba má về thăm ông bà ngoại. Anh Hai đi chơi với bạn. Chỉ mình cu Tí ở nhà. Và điều quan trọng là cu Tí đã hoàn thành mọi bài tập trên lớp, tuần qua cu Tí đã được 3 điểm 10, cho nên nó hoàn toàn có đủ tiêu chuẩn để ngồi chơi với máy tính suốt cả buổi sáng, theo quy định của người lớn.

Sức mạnh của thông tin

Bữa nay nghỉ học, bé Ti ngồi nhà mở máy tính lên chơi game.
Ủa, sao hôm nay chơi không được nhỉ? Windows vẫn chạy ngon lành, Word, Excel... vẫn không vấn đề gì. Chỉ có chơi game là không được. Lục đục chỉnh tới chỉnh lui vẫn không chơi được, bé Ti lò mò mở thùng máy ra coi thử. Đây rồi, chắc là cái card màn hình hư rồi, phải thay thôi.
Ba về. Bé Ti khóc đòi thay cái card màn hình mới. Ba hỏi: Card màn hình là cái gì? Bé phụng phịu giải thích, rồi ghi ra giấy hiệu và thông số của card màn hình, đòi ba phải mua ngay cho bé.
Tưởng gì, chuyện nhỏ mà! Ba bé Ti là sếp bự, vụ này giải quyết cái một. Ba bấm điện thoại, gọi giám đốc công ty máy tính ABC:
- A lô, chú Tư phải không, anh Ba đây! Có chuyện nhờ chú nè...
- Dạ, em nghe đây anh Ba. Có chuyện gì ạ?
- Chú kiếm gấp dùm anh một cái card màn hình hiệu X, thông số là như vậy, như vậy nghe.
- Ơ, anh Ba ơi loại đó bây giờ đâu còn sản xuất nữa, anh kiếm làm gì, em giới thiệu cho anh loại khác nghe?
- Chú này! Không được, anh đã bảo là phải đúng loại đó mà. Kiếm ngay cho anh. Công ty máy tính của chú sao mà tệ thế, có cái card màn hình mà kiếm cũng không ra, sau này làm sao mà anh dám giới thiệu khách hàng cho chú chứ?
- Dạ, dạ... Anh Ba bớt giận. Có ngay, có ngay. Em sẽ tìm cho anh bằng mọi giá!

Gánh hàng rong

Có những lúc bạn có thừa tiền để vào những nhà hàng sang trọng, hoặc những quán ăn sân vườn thơ mộng, nhưng gánh bún riêu ở vỉa hè mới làm bạn khoái khẩu, hoặc một tô cháo lòng xì xụp húp bên vệ đường sẽ thật là “sướng”. Ngon, rẻ, lại thật là phù hợp với hoàn cảnh của bạn lúc ấy (đang mệt, ngồi phệt xuống mà chén ngay thay vì phải trịnh trọng vào nhà hàng, lật qua lật lại cái thực đơn để chọn món, gọi món, rồi ngồi rờ râu chờ phục vụ...).
Tôi cũng vậy. Hôm nọ, cái laptop second hand của tôi bỗng giở chứng... sổ mũi. Xách máy tới các trung tâm sửa chữa, bệnh viện máy tính lịch sự, sang trọng, tôi được tiếp đón rất đàng hoàng, niềm nở. Nhưng nơi nào cũng trịnh trọng lập cho tôi một biên bản nhận máy, kèm theo một phiếu hẹn năm bảy ngày sau trở lại để nhận kết quả. Thiệt khổ, công việc thì gấp, nhưng đành chờ chứ biết phải làm sao?
Đến hẹn, tôi quay lại. Nhân viên kỹ thuật nhiệt tình thông báo cho tôi biết máy laptop của tôi bị hư cái linh kiện gì đó, muốn thay thế thì xác nhận đồng ý với họ, họ sẽ đặt hàng ở nước ngoài, khoảng 2 tuần sau sẽ có hàng, nhưng giá hơi cao! Trời, chi phí sửa chữa gần bằng nửa giá cái laptop, đã vậy lại phải chờ cả nửa tháng. Tôi không nỡ lòng nào... đồng ý. Nhân viên kỹ thuật gợi ý cho tôi rất... thiện chí: Hay là anh bỏ quách cái máy này đi, mua máy mới xài cho sướng?

Cô bé bán diêm

Đêm ấy trời thật lạnh. Đã mấy ngày bão liên miên.
Cô bé tay ôm bao giấy đầy những hộp diêm, vừa đi vừa cất giọng rao mời. Lạnh thế mà bé phải lê đôi chân trần trên hè phố. Trời lạnh như cắt. Hai bàn chân của bé sưng tím cả lên. Bé cố lê từng bước sát dưới mái hiên cho đỡ lạnh, thỉnh thoảng đôi mắt ngây thơ ngước nhìn đám đông hờ hững qua lại, nửa van xin, nửa ngại ngùng. Không hiểu sao bé chỉ bán có một ngàn đồng một hộp diêm mà không ai thèm hỏi đến.
Càng về đêm, trời càng lạnh. Bé bán diêm thấy người mệt lả. Đôi bàn chân bây giờ tê cứng, không còn chút cảm giác. Bé bắt đầu dán mắt vào những ngôi nhà hai bên đường. Nhà nào cũng vui vẻ, nhộn nhịp. Bên ngoài dán đầy những poster sặc sỡ. Kìa là Võ lâm truyền kỳ, kìa là MU Xứng danh anh hùng...
Bóng tối, cơn lạnh lẫn cơn đói như phủ lên, như quấn vào hình hài nhỏ bé ốm yếu. Bé vào núp bên vỉa hè giữa hai dẫy nhà cao để tránh cơn gió quái ác và tìm chút hơi ấm trong đêm. Ngồi nghỉ một lát, chợt nhớ ra bao diêm, bé lấy ra một cây, quẹt lên để sưởi cho mấy ngón tay bớt cóng.

Quyền ... nói không hết sự thật

Thư của một sinh viên gửi Hai Ẩu.
Anh Hai Ẩu kính mến,
Em là một sinh viên. Từ lâu em ao ước có được một cái laptop để phục vụ việc học tập; nhưng mua máy mới thì giá quá cao, mua máy second hand thì trong lòng vô cùng hồi hộp.
Bỗng đâu có tin vui trên trời rơi xuống, công ty nọ tung ra thị trường loại máy laptop mới tinh, chất lượng xịn với giá chỉ có xém ( ) 700 đô (báo e-CHÍP cũng có đưa tin này!). Em mừng quá, liền xin tiền ba má để mua. Ba má em thương con lắm, đưa hết cho em số tiền chắt bóp dành dụm bao năm nay, còn phải bán bớt đồ đạc trong nhà nữa mới xém đủ số tiền cho em mua máy.
Quá si mê cái laptop, em quyết tâm nhịn ăn xôi, nhịn mì gói cả tháng trời để bù thêm cho đủ tiền. Cuối cùng thì cũng đến lúc em hân hoan ôm tiền đến nơi mấy anh giới thiệu để mua máy.
Phũ phàng thay, khi em đến nơi, họ tỉnh bơ nói rằng cái loại xém 700 đô đó hết rồi, chỉ còn loại xém 1.000 đô thôi, em nên mua loại ấy mới là xứng tầm thời đại. Hu hu, nếu mà em có xứng tiền thì em đã xứng tầm thời đại lâu rồi chứ đâu phải đợi. Bây giờ kiếm đâu ra thêm 300 đô nữa để mà mua cái máy xém 1.000 đô đây? Em phải nhịn ăn xôi bao lâu nữa đây hả anh Hai? Mà phải nói, nếu em có xém đủ 1.000 đô thì em đã có thể đi nhiều nơi để chọn nhiều kiểu máy khác nhau, chứ nhất thiết gì phải đến nơi mà mấy anh nêu trên báo?

Ghi lấy dáng hình ai...

Lại là Ba Trợn đến thăm Hai Ẩu. Nó đi cùng một người bạn và hớn hở khoe với Hai Ẩu:
- Em mới sắm cái máy ảnh kỹ thuật số nè anh Hai. Hê hê, em tới chụp anh Hai mấy kiểu hình để gọi là “khoe của” và thử máy đây!
Hai Ẩu là người ham chuộng kỹ thuật và cũng khoái được... chụp hình nên chẳng ngần ngại chần chờ gì mà không làm kiểu cho thằng em nó bấm vài phát.
Ba Trợn hân hoan quàng vai Hai Ẩu rồi ra hiệu cho người bạn cùng đi bấm liên tục mấy cái. Rồi nó lại đè Hai Ẩu ngồi xuống ghế, trịnh trọng ngồi đối diện, cho người bạn bấm tiếp một tràng nữa. Chưa chịu thôi, Ba Trợn bước ra sau lưng Hai Ẩu, đặt tay lên vai ra chiều thân thiết để chụp tiếp chục kiểu nữa.
Ba Trợn hí hửng bật máy sang chế độ View cho Hai Ẩu xem lại mấy chục tấm ảnh đã chụp. Kể cũng đẹp thiệt, Hai Ẩu vừa coi, vừa khen thầm: “Mình cũng còn đẹp trai lắm đấy chứ!”. Đang sướng, bỗng nhiên Hai Ẩu linh cảm thấy một điều không hay, Hai Ẩu run giọng hỏi Ba Trợn: “Chú mày... chú mày không đưa hình anh lên mấy trang web sex đấy chứ?”.
Ba Trợn cười hì hì: Trời, anh Hai lo xa quá. Nãy giờ anh Hai vẫn đang... mặc đồ mà, chứ đâu có ở tr... đâu? Mấy hình này làm sao đưa lên web sex được?

Trúng giải!

Bữa nay chú em Ba Trợn lại đến thăm Hai Ẩu. Lần này nó không mặt mày bí xị nữa mà rất vui tươi hớn hở. Ba Trợn rủ Hai Ẩu đi ăn khao!
  • Đi làm một chầu với em anh Hai ơi. Em vừa trúng giải nhất một cuộc thi! 
Hai Ẩu reo lên: 
  • Wow! Chú mày vừa tham gia “ghêm sô” à? Hồi nào, sao không báo cho anh em biết để mở TV lên coi? 
  • Hổng phải vậy. Mặt mũi ba trợn như em vầy là đã bị loại từ vòng... gởi xe rồi. Khi phỏng vấn họ dạt em ra ngay, sợ đưa lên TV sẽ bị cháy màn hình. Với lại, đoạt giải ghêm sô “chua” lắm, không đơn giản đâu! 
  • À, thế ra chú mày dự thi trả lời câu hỏi bằng cách nhắn tin qua số Một chín lung tung gì đó phải không? 
  • Cũng hổng phải! Nhắn tin kiểu đó cũng giống như mua vé số, vì dự đoán số người tham gia đâu có dễ. Đã vậy còn tốn tiền tin nhắn nữa – dù rằng mỗi tin nhắn chỉ mấy trăm đồng nhưng... tiền nào cũng là tiền chứ! Em dự thi cái vụ này vừa không tốn xu nào, lại còn được khen nữa! 
  • Vậy chứ chú mày dự thi cái trò gì mà hay thế? Hai Ẩu bắt đầu tò mò. 

Chat vượt thời gian

Hồi xưa, ông nội tui không thể nào tưởng tượng được rằng có một ngày thằng cháu nội của ông có thể ngồi một chỗ mà tán gẫu với vô số bạn phương xa, cách nó có khi đến hàng chục ngàn cây số. Chẳng cần phải là Siêu nhân hay Đại thánh như Tôn Ngộ Không, bất kỳ con người bình thường nào cũng có thể làm được chuyện ngoài sức tưởng tượng ấy. Đâu phải chỉ đọc được lời nhắn của nhau, mà còn nghe tiếng, thấy mặt nhau. Chỉ cần gọi một chương trình chat lên!
Bây giờ, tui cũng không thể tưởng tượng nổi một chuyện xảy ra vào năm 2060.
Chuyện là như vầy:
Nếu những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, với sự phát triển vượt bậc của Internet, chúng ta vô cùng hào hứng với các cuộc trò chuyện vượt không gian thì vào giữa thế kỷ 21, không những ta có thể chat vượt không gian mà còn có thể chat vượt thời gian nữa!
Để tui diễn tả kỹ hơn cho các bạn dễ hiểu. Bạn có thể gọi chương trình chat lên, tạo một chat room để xác định không gian - là nước Pháp chẳng hạn; tạo một chat period để xác định thời gian - là năm 1800 chẳng hạn, thế là có thể bạn có cơ may chat với...Napoleon. Còn nếu xác định không gian là nước Tàu, thời gian là năm 220 trước Công nguyên, bạn sẽ tha hồ mà chat với... Tần Thủy Hoàng!

Thư ngỏ gửi "thượng đế"

Hai Ẩu vừa nhận được thư của ông Nguyễn Văn Tèo, một doanh nhân trong ngành máy tính. Thể theo nguyện vọng của ông, Hai Ẩu xin được đăng toàn văn bức thư để bạn đọc có ý kiến.
Kính gửi:    Quý Ban biên tập Tạp chí e-CHÍP,
                  Quý anh Hai Ẩu,
                  Quý "thượng đế" kính mến,
Tôi hết sức mạo muội gửi thư này đến quý vị, mong bày tỏ nỗi lòng mình.
Tôi là một nhà kinh doanh máy tính. Số là, qua quý báo, quý anh Hai Ẩu, tôi thấy các thượng đế thân yêu luôn được đề cao, còn những người kinh doanh như chúng tôi thường bị vẽ ra như một bọn... lừa đảo, thất hứa, gian manh. Ôi, trời cao đất dày có thấu chăng nỗi lòng của chúng tôi! Thượng đế khách hàng là chén cơm manh áo của chúng tôi. Không có các ngài thì chúng tôi không có cháo để mà húp, không có cái quần xà-lỏn để mà mặc, chúng tôi không hết lòng chiều các ngài thì thôi chứ nào dám đối xử tệ với các ngài mà quý báo nỡ vu oan giá họa cho chúng tôi như thế.

Que sera sera

Kính gửi chú Hai Ẩu,
Cháu là Dương Lễ, cháu rất hân hạnh và trân trọng báo với chú một tin vui: Cháu đã thi đậu vào khoa CNTT trường Đại học Bách khoa TP.HCM!
Cháu chỉ được 25 điểm rưỡi thôi, vừa đủ để khỏi “đậu cành me”. Bi nhiêu đó thôi đủ để cho cháu và ba mẹ phơi phới cõi lòng như vừa lên thiên thai; cho bõ những năm học như trâu cày và những ngày chờ kết quả thi dài như mấy thế kỷ. Chú biết không, mấy ngày qua hết trường này đến trường kia công bố kết quả thi với điểm cao vời vợi, khiến trái tim cháu vô vàn thổn thức, lộn qua lộn lại như cục bột đang bị nhồi để làm bánh!
Hai đứa bạn thân của cháu không được may mắn như cháu. Điểm thi của tụi nó thấp đến nỗi nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 cũng đi đời – thậm chí nếu có nguyện vọng 4, nguyện vọng 5 e cũng phải nói lời từ biệt. Cháu vội tìm đến chúng để nói lời an ủi, động viên tinh thần. Thua keo này ta bày keo khác, sau cơn mưa trời lại sáng, chớ nản lòng chiến sĩ...
Lưu Bình là thằng bạn cháu, rất vui khi cháu đến thăm và an ủi. Châu Long, nhỏ bạn gái của cháu, cũng vậy. Hai đứa nó tỉnh táo hẳn lên chứ không bi lụy chán đời như cháu lo ngại.

Đi tìm trăm họ

Chắc bạn đã từng có lúc lâm vào cảnh vô công rồi nghề, trong lòng bực bội đến nỗi muốn có một kẻ nào đó ở bên cạnh để “bốp” một cái cho... đỡ chán. Tôi cũng vậy, tiếc là bên cạnh tôi chẳng có ai để... "đánh" cho đã tay, chỉ có cái máy tính. Tôi bèn nghĩ ra một trò “hành hạ” nó cho... bõ ghét.
Mở một trang web tra cứu tự điển tiếng Anh online (http://onelook.com), tôi gõ vào một chữ tiếng Việt: “nguyen” (Nguyễn), trong bụng cười thầm: “Cho mày ngọng luôn! Tiếng Anh làm gì có chữ Nguyễn cơ chứ!”.
Bỗng nhiên, chính tôi trở thành kẻ ngọng, khi trên màn hình hiện lên dòng chữ:
Nguyen: là một cái họ, khá thông dụng với tỷ lệ 1 trên 2.173 gia đình, họ này nhiều xếp hạng thứ 229 ở Mỹ.
Không hả được sự chọc tức cho bõ ghét, tôi gõ tiếp một chữ nữa; yên tâm rằng cái tự điển “quỷ quái” này không hiểu được. Tôi gõ chữ “trinh” (Trịnh). Màn hình lại hiện lên dòng chữ khiến tôi ngọng hơn cả lần trước:

Một dự án hoàn hảo

Chuyện này có thật 100%. Tuy nhiên, để tránh mang tiếng là lợi dụng bài viết để quảng cáo cho các đơn vị, sản phẩm được nhắc đến trong bài, tôi xin mạn phép được thay đổi các tên tuổi ấy.
Ở xã Xác Xơ, huyện Hiu Hắt, tỉnh Đìu Hiu, người ta đang làm hợp đồng trang bị máy tính theo một dự án ứng dụng công nghệ thông tin rất lớn do tỉnh triển khai.
Dự án này được thực hiện hết sức nghiêm túc, chỉnh chu. Từ tỉnh, các nhà quản lý đã cho lập phương án, trình một hội đồng thẩm định gồm các quan chức đầu ngành: Sở Khoa học – Công nghệ (vì đây là công trình khoa học kỹ thuật mà), Sở Kế hoạch – Đầu tư (vì đây là dự án đầu tư), Sở Tài chính (vì cần có tiền từ ngân sách), Sở Xây dựng (đầu tư thiết bị tin học cũng là đầu tư xây dựng cơ bản), Văn phòng Ủy ban tỉnh (phải có chứ, vì ông ấy là lãnh đạo mà), và nhiều, nhiều các sở, ban, ngành quan trọng khác mà tôi không nhớ hết. Tôi không chắc lắm, nhưng có thể trong hội đồng cũng có một anh chuyên viên công nghệ thông tin nào đó...
Sau nhiều buổi họp căng thẳng, cuối cùng hội đồng đã thông qua phương án. Rất tỉ mỉ, phương án nêu lên cụ thể: phải trang bị máy gì, model nào, giá cả ra sao, máy được lắp đặt mấy cái, ở đâu... nghĩa là không thiếu một chi tiết nào cả. Cực kỳ chu đáo!

Thương hiệu Sài Gòn

Míx-tờ Giôn, chuyên gia nghiên cứu về thương hiệu, sang Việt Nam du lịch đồng thời tìm hiểu thị trường. Một hôm, ông đặt chân đến một tỉnh nhỏ, vừa đi, vừa ngó các cửa hàng trên phố. Giôn thấy ở một cửa hàng có treo băng-rôn với dòng chữ: Tại đây bán máy vi tính bằng giá Sài Gòn. Lòng vòng một hồi nữa, Giôn đến một công ty, trên bảng hiệu có ghi câu: Phục vụ kỹ thuật chất lượng cao nhất – Chuyên gia Sài Gòn.
Đến một doanh nghiệp khác, Giôn chặn một khách hàng vừa từ trong bước ra, hỏi chuyện làm quen: Chào ông. Ông đi đâu đó? Người kia trả lời: Tôi đi mua máy tính.
Giôn ngạc nhiên: Ồ, sao tôi không thấy ông mang máy tính ra?
Trả lời: Tôi chỉ vô đây dọ giá thôi, đi Sài Gòn mua cho chắc ăn.
Giôn gật gù ra vẻ hiểu chuyện. Cái thương hiệu Sài Gòn này nổi tiếng thật đấy. Chắc là cái công ty Sài Gòn nào đó họ nhượng quyền (franchising) sử dụng thương hiệu cho các công ty ở đây đấy mà, giống như Pierre Cardin nhượng quyền hàng may mặc, McDonald nhượng quyền fast food... Nghĩ vậy, Giôn quyết tâm đến thành phố Hồ Chí Minh tìm cho ra cái công ty Sài Gòn lừng danh ấy!

Câu đố của nhân sư

Thần thoại Hy Lạp kể rằng: nhân sư Sphinx là một quái vật mang đôi cánh thiên thần, đầu và ngực đàn bà, mình chó, vuốt sư tử, đuôi rồng. Sphinx nói được tiếng người. Nó đứng chặn cửa thành và đặt ra luật lệ: ai muốn ra vào thành phải giải được câu đố của nó. Trả lời đúng thì được đi qua. Trả lời sai lập tức bị nhân sư vồ lấy ăn thịt.
Ngày nọ, có ba người đến cửa thành. Một người là chuyên gia phần mềm, mặt mũi thông minh nhưng có vẻ ngơ ngác, mắt đeo kính cận. Người thứ hai là một chuyên gia phần cứng, có mái tóc dài, mặc áo pull quần bò, bộ dạng luộm thuộm. Người còn lại tướng mạo bệ vệ, trang phục lịch sự, phong thái khả kính; không rõ làm nghề gì.
Ba người bị nhân sư chặn lại ngay cửa thành và ra câu đố:
  • Con gì buổi sáng đi bốn chân, buổi trưa đi hai chân, buổi chiều đi ba chân?

Có nên tuyển nhân viên IT là nữ?

Người ta bảo thời nay nam nữ bình quyền. Nam làm tin học thì nữ cũng làm tin học.

Thế nhưng cứ bước vào một công ty máy tính, bạn sẽ thấy giới liễu yếu đào tơ có làm tin học thì chỉ làm phần mềm thôi, hoặc là phụ trách mảng kinh doanh máy tính, chứ còn lĩnh vực phần cứng gần như dành hẳn cho các đấng nam nhi.

Bởi vậy, tôi vô cùng ngạc nhiên khi một ngày nọ có một cô bé bước vào công ty tôi xin việc làm, mà lại xin vào chân kỹ thuật viên phần cứng!

Tôi nghiêm mặt, hỏi: Em có biết là kỹ thuật viên phần cứng cực lắm không? Không phải ngồi yên một chỗ trong phòng máy lạnh đâu, mà phải lặn lội đi bảo hành, bảo trì máy cho khách hàng, bất kể thời gian, mưa nắng.


Thập diện mai phục - phần cuối

Ngày thứ ba của cuộc hành trình. Công việc của Tùy Phong là hướng dẫn Tiểu Muội cách phòng ngừa và diệt virus tin học. Sự cố trầm trọng đã xảy ra.
Ngay khi Tùy Phong chưa kịp giải thích cho Tiểu Muội biết virus là cái quái gì, sâu là con chi chi thì máy tính đã bị virus tấn công. Cả một bầy quái vật! Con thì tự động mở ra những trang Web lãng xẹt, và ngấm ngầm chuyển dữ liệu từ máy tính của Tiểu Muội đi... đâu không biết (?!). Con thì phá hủy dữ liệu trên máy tính.
Tùy Phong dùng đủ thứ vũ khí từ dân gian đến hiện đại để chống cự lại với bọn virus, nhưng vô vọng. Bọn chúng càng lúc càng lộng hành, khiến cho hoạt động của máy tính gần như tê liệt. Tùy Phong tuyệt vọng, toàn thân bủn rủn.
Đúng lúc đó cứu tinh xuất hiện.
Đó chính là đại tỷ của Phi đao môn, và cũng chính là bà chủ của Dịch vụ Internet Mẫu đơn.

Thập diện mai phục

Chuyện xảy ra năm 859 sau công nguyên tại Trung Hoa. Triều đình lúc bấy giờ rất quan tâm đến Phi đao môn, một tổ chức nằm ngoài vùng kiểm soát của thiên triều.
Tại Dịch vụ Internet Mẫu đơn, một thiếu nữ xinh đẹp nhưng mù... tin học đã bị sụp bẫy trước những trò quái quỷ trên mạng. Hai mệnh quan triều đình là Lưu bộ đầu và Kim bộ đầu xác định rằng nàng chính là người của Phi đao môn, và họ đã bàn bạc một kế hoạch thông qua nàng để tiếp cận với Phi đao. Theo kế hoạch này, Kim sẽ đóng vai một anh hùng cứu mỹ nhân. Anh sẽ làm một tình nguyện viên phổ cập tin học cho nàng, theo nàng để đưa tin học đến Phi đao môn, làm cho Phi đao môn nằm trong tầm kiểm soát của tin học và cũng là của triều đình.
Mọi việc diễn ra tốt đẹp. Thiếu nữ xưng tên là Tiểu Muội, còn Kim bộ đầu tự đặt cho mình một cái tên là Tùy Phong. Chàng bảo Tiểu Muội hãy gọi chàng là Máy tính thương hiệu Tùy Phong.

Đoạn kết một chuyện tình

Tuần trước tôi đã kể các bạn nghe chuyện một chàng sinh viên nghèo yêu một tiểu thư khuê các. Chàng đã bỏ công mua và ráp một máy vi tính cho nàng xài. Kết quả là chàng điêu đứng vì linh kiện không đồng bộ, chất lượng kém, máy hư lên hư xuống làm chàng vô cùng khốn khổ.

Thú thật, tôi cũng không biết đoạn kết của chuyện tình này như thế nào sau “sự kiện ráp máy tính” đó. Mấy năm trôi qua, mãi đến hôm qua, tôi mới có dịp gặp lại chàng sinh viên ấy để hỏi chuyện.

Ngồi trong một cửa hàng máy tính, chàng ta kể:

Tôi tủi phận nghèo lắm anh ạ, bởi vậy nên kiếm chuyện làm thêm để có tí tiền. Tôi mò đến mấy cửa hàng bán máy tính, xin được làm thêm ngoài giờ học. Họ hỏi: Có kinh nghiệm gì chưa?

Tôi trả lời: Kinh nghiệm? Có 3 kinh nghiệm. Thứ nhất: kinh nghiệm lắp ráp máy tính (đã lắp cho một nhân vật rất quan trọng). Thứ hai: kinh nghiệm đi bảo hành (có một cái máy thôi mà đã chạy tới chạy lui tới mệt xỉu). Thứ ba: kinh nghiệm “chìu” khách hàng (cái này khỏi giải thích). Họ hỏi tôi vài ba câu rồi nhận ngay.


Chuyện tình

Tình yêu có từ nơi đâu? Nơi đâu thì không biết, chỉ biết rằng đã có thì phải túm cho chặt, nếu không sẽ bị rớt mất hoặc một thằng gian ác nào giựt mất! Đó chính là tình cảnh của tôi khi đang là sinh viên. Thử nghĩ coi, một thằng nghèo - nhà quê - không đẹp trai lên thành phố học, trời thương sao cho lọt vào mắt xanh của một tiểu thư đài các, đang học đại học sư phạm. Không giữ được thì sau này đành ân hận ngàn năm.

Không có xe xịn để chở nàng đi dạo phố, tiền học còn không đủ đóng lấy gì dẫn nàng đi shopping. Bạn nghĩ coi, tôi biết lấy gì để giữ tình yêu của mình?

Một hôm nàng thỏ thẻ cùng tôi: Chắc em cần phải có một cái máy tính để phục vụ việc học quá anh à. Ôi, điều mong ước của nàng là quá chính đáng. Tôi đây cũng cần một cái máy tính, nhưng túi tiền của tôi lại không cho phép. Làm sao tôi có thể mua tặng cho nàng một bộ máy tính để chứng tỏ tình yêu của mình?

Trong gian khó mới rõ được tình yêu, tôi nảy ra một sáng kiến và đề nghị với nàng: Để anh mua linh kiện về lắp máy cho em thay vì mua máy nguyên bộ, mình sẽ chọn được cấu hình vừa ý và giảm được ít tiền. Vậy là tiền của nàng, công của tôi. Mỗi khi ngồi bên máy tính nàng sẽ nhớ đến một gã tình si đã hì hục lắp nên chiếc máy lý tưởng cho mình.


Đi hội chợ

Hôm nay Hai Ẩu đi hội chợ - triển lãm. Hê hê, phải thế chứ lẽ nào quanh năm suốt tháng cứ bo bo bên cái máy tính, hết ngày dài lại đêm thâu cứ mãi lướt net thì quả là phí đi những điều phong phú của cái sự đời.
Công viên T. này tổ chức hội chợ quả là vui ác! Hai tui mua được lỉnh kỉnh nào là quần áo may sẵn, nào là thức ăn nguội... ôm mỏi cả tay. Nói thiệt, Hai Ẩu cũng chẳng hề biết giá ở đây có rẻ hơn bên ngoài hay không (vì có bao giờ đi mua sắm đâu mà biết), nhưng đã đi hội chợ thì phải mua cái gì đó, chứ chẳng lẽ về không!
Giữa xô bồ xô bộn những gian hàng bán nồi niêu xong chảo, mì gói, giày dép... Hai Ẩu bỗng thấy một nhãn hiệu quen quen.Té ra là thương hiệu máy tính XYZ. Cái hội chợ này quả là phong phú thiệt, bán đủ thứ từ cái hột vịt lộn đến bộ máy tính siêu phân luồng!
Hai tui bèn lân la đến gian hàng máy tính XYZ. Từ xa đã nhìn thấy Ba Phải - bạn Hai Ẩu - có vẻ như đang trực gian hàng; nhưng, sao mặt mày hắn ủ dột, ngáp vắn ngáp dài thế kia? Tui kêu to:
  • Chào Ba Phải, chúc mừng bồ có được gian hàng ở khu hội chợ này!

Chuyển nhượng cầu thủ

Real Madrid mua David Beckham. Barcelona phỗng tay trên MU trong phi vụ Ronaldinho. Trần Trường Giang chuyển từ Tiền Giang về Bình Dương với giá một tỷ đồng,...
Thật nhiều nhiều những tin chuyển nhượng cầu thủ rất hấp dẫn trong mấy tuần nay.
"Bộ hết chuyện nói rồi sao lại quay ra nói chuyện đá banh hả?". Chắc bạn đang cằn nhằn như vậy. Ừm, quả là cũng có phần nào như vậy thiệt, nhưng chuyện tôi sắp kể ở đây là chuyện bình loạn thị trường công nghệ thông tin mà, xin mời hãy xem sẽ rõ!
Anh bạn tôi làm nghề đì-dzai bằng máy tính, nghĩa là tối ngày loay hoay với Phô-tô-sốp, Cô-Ren-Rò để thiết kế mẫu quảng cáo, phục chế ảnh,... Mới đây, hắn khoe với tôi: “Tớ mới vừa "chuyển nhượng" một chuyên viên kỹ thuật cho công ty bạn với giá năm triệu đồng”.
Hóa ra hắn có một anh thợ, chăm lo đào tạo từ thuở i tờ, đến nay đã thành nghề. Trong thời gian đó, anh này phụ việc cho hắn trong công chuyện đì-dzai. Nay có đơn vị khác có nhu cầu tuyển dụng người, xin "mua cầu thủ" hắn đang có để đỡ tốn công đào tạo, hắn bèn vui vẻ giải quyết.

Từ đâu có "chuyên gia tin học"?

Nếu bảo rằng sinh ra tôi đã là một "chuyên gia" về công nghệ thông tin thì e rằng mọi người sẽ bĩu môi chê... xạo. Vì thế, xin thú thiệt rằng tôi cũng bình thường như mọi người... bình thường. Nghĩa là cũng biết xài máy tính ở mức... cơm bình dân, cũng biết gửi meo, chít chát...
Mỗi lần "chéc meo" là mỗi lần khốn khó, cái modem cứ "tích te... tích", lúc “dzô” được lúc không, có lúc “dzô” được rồi tự nhiên bị cắt cụp nửa chừng. Thế là lại "tích te... tích" kết nối lại từ đầu. Lâu ơi là lâu! Kiên nhẫn thì tôi có thừa nhưng cũng phải biết quý thời gian chứ. Vì vậy, trong lúc chờ kết nối phải tranh thủ làm cái gì đó. Làm việc thì không đủ thời gian, hữu hiệu nhất là tranh thủ mở một cửa sổ game bé bé gọi là thư giãn!
Quỷ tha ma bắt mấy tay lập trình game, bọn hắn làm thế nào mà game lại hấp dẫn và lôi cuốn quá đi mất. Thế là từ chỗ tranh thủ chơi game để khỏi phí thời gian lúc chờ kết nối Internet, tôi trở nên ghiền game hồi nào hổng biết.
Các bạn thân mến, trừ mấy gã đạo mạo chỉ biết sử dụng máy tính để "nghiên cứu khoa học", còn tất cả mọi người trong "cõi người ta" đều biết rằng máy tính dùng chơi game phải cao cấp và đắt tiền hơn máy tính để làm việc văn phòng nhiều lần. Chả phải cụ Nguyễn Du đã từng viết: “Nghề chơi cũng lắm công phu đó sao”? Cụ Nguyễn Công Trứ còn "bản lĩnh" hơn khi ra tuyên ngôn:
Chơi cho lịch mới là chơi
Chơi cho đài các cho đời biết tay!

Một vụ khuyến mãi

Không biết ai chỉ chỗ mà Năm lạc-xoong nhập được một lô hàng máy in phun màu với giá rẻ như cho: Hai mươi lăm đô một cái. Anh Năm khảo sát thấy hiện giờ bèo nhất là loại máy in X. bình dân cũng cỡ 50 đô một cái, lô hàng này nhập về thuế má chi phí đầy đủ cũng chỉ cỡ 30 đô, dzô mánh là cái chắc!
Dè đâu nhập về xong, Năm lạc-xoong mới biết là không thể bán được. Lý do? Hàng mới, nhưng mới ở đây là chưa xài (tức không phải second-hand) chứ không phải mới sản xuất. Anh Năm không biết sản xuất hồi nào, nhưng tự an ủi chắc nó cũng được sản xuất sau khi... anh ra đời. Máy này mà hư chăng biết lấy gì sửa, hết mực chẳng biết lấy gì thay, ai mà dám mua!
Đang rầu thúi ruột, Năm lạc-xoong bỗng gặp cứu tinh. Anh Tư đại-gia xuất hiện như cơn mưa rào đổ xuống giữa cơn hạn bà chằn. Anh Tư cười hề hề nói:
- Chú mày đừng có lo, anh “gỡ” hết cái đống lạc xoong này cho chú ngay thôi mà!
- Đội ơn anh Tư, nhưng anh làm sao mà “gỡ”?

Cống nạp thiên triều

Bạn có bao giờ mua hàng trả góp? Tại sao lại phải mua trả góp? Đương nhiên là tại vì bạn không có tiền dư, giá trị món hàng mà bạn cần lại khá cao. Vì vậy, để có thể có ngay món hàng mình cần, bạn chấp nhận một mức lãi suất hợp lý để được trả tiền sau, mỗi tháng một chút. Đây là một giải pháp hợp lý, có lợi cho cả ba bên: Người mua có ngay món hàng mình cần mà chỉ phải bỏ ra một khoản tiền nhỏ hơn nhiều so với giá trị món hàng; người bán tiêu thụ được sản phẩm; còn ngân hàng có thêm cơ hội cung cấp dịch vụ của mình.
Bây giờ, tôi đặt vấn đề theo hướng ngược lại: Có một món hàng mà lẽ ra khoản tiền bạn phải bỏ ra hàng tháng chỉ be bé thôi, thậm chí nếu không cần thì không mua nhưng người bán đề nghị bạn phải trả trước một số tiền lớn cho suốt năm và bạn bị ép sử dụng vì tiền đã trao mà cháo thì từ từ mới múc? Khác với trường hợp trên (ngân hàng ứng tiền cho vay còn bạn phải trả lãi), trong trường hợp này bạn là người cho vay (trả tiền trước khi sử dụng) nhưng chẳng ai trả cho bạn đồng lãi cả! Bạn có đồng ý không?
Ấy, đừng có gân cổ lên mà hét rằng: Hỏi vô duyên, bộ NGU sao mà mua?

Bụt nhà sao chẳng thiêng?

Chào bạn, tuần qua trong số các bạn có ai bay sang Thái Lan đi chùa không? Chỉ còn có 220 USD cho một tour sáu ngày, đại hạ giá! Hích, cũng tương tự như vậy, máy tính ngoại đang hạ giá để cạnh tranh với máy tính thương hiệu Việt Nam. Và cũng vì vậy, so sánh việc mua máy tính với việc... đi chùa càng giống nhau và đầy... bi kịch. Ta cùng điểm lại những lý do khiến bụt nhà không thiêng nhé bạn:
1. Thích mác ngoại
Dĩ nhiên là Bangkok nổi tiếng hơn... Tà Cú; cũng như IBM, Compaq nổi tiếng hơn Elead, T&H,... Sự nổi tiếng ấy khiến người ta cảm thấy yên tâm hơn về chất lượng, và cảm thấy sành điệu hơn khi cho người khác thấy mình đang xài cái gì. Để khắc phục nguyên nhân này, các nhà sản xuất Việt Nam làm sao? Phải... nổi tiếng chớ còn làm sao nữa!
Hiện nay, có những cách khác nhau để thực hiện điều này. Một số công ty nỗ lực đạt được ISO, xem như đây là một bằng chứng hùng hồn cho chất lượng sản phẩm của mình, như Mekong Green, CMS,... Kết quả ra sao? Hỏi, mấy ổng cười mím chi, biểu đi ra cửa hàng hỏi coi người ta bán máy của mấy ổng nhiều hay máy ngoại nhiều!

Bụt chùa nhà, thiêng không?

Trên đỉnh núi Tà Cú (cao khoảng 500m, thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận, cách Phan Thiết khoảng 30km về hướng Nam) có một ngôi chùa tên Linh Sơn Trường Thọ. Chùa có một tượng Phật Thích ca nhập Niết bàn dài 49m, cao 7m nằm giữa bốn bề là núi non trùng điệp, xa xa là biển xanh. Ai muốn chiêm ngưỡng tượng Phật giữa thiên nhiên hùng vĩ này phải đi qua 2,4km đường dốc cheo leo, khúc khuỷu. Ngay trong lòng Bangkok - thủ đô Thái Lan, có một ngôi chùa mang tên Wat Po. Trong chùa có một gian phòng lớn với một tượng Phật nằm, dài 45m, cao 10m. Đây là một điểm tham quan mà hầu như mọi du khách tới Thái Lan đều tìm đến vì các hướng dẫn viên du lịch đều khẳng định đó là tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á!
Xét về tầm cỡ, hai pho tượng này  suýt xoát nhau. Song xét về khung  cảnh thì một tượng Phật nằm trên  đỉnh núi cao vẫn tạo ấn tượng sâu đậm  hơn một tượng Phật nằm trong phòng.  Xét về yếu tố tín ngưỡng, một tượng  Phật tại Việt Nam vẫn gần gũi tâm linh  người Việt hơn một tượng Phật ở Thái  Lan. Thế nhưng, dù chưa có ai thống  kê song tôi vẫn tin chắc rằng số người  Việt đã từng đến chiêm bái tượng Phật  nằm ở chùa Wat Po vẫn động hơn rất  nhiều so với số người Việt đến chiêm  bái tượng Phật nằm trên đỉnh Tà Cú!  Hình như “bụt chùa nhà không...  thiêng”? Nếu bạn được chọn một trong hai  điểm nêu trên để tham quan, bạn sẽ đi  thăm “Bụt” chùa nào? Và... tại sao?  Tôi cho rằng đa số sẽ chọn... đi Thái  Lan vì những lý do sau:

Tình sử thằn lằn

Bạn có từng ngồi trong văn phòng nhìn miên man lên trần nhà ngó thằn lằn bò qua bò lại?

Chắc là có. Thế nhưng bạn đã từng nghe kể về chuyện tình yêu của đôi thằn lằn, đã từng tự hỏi chúng đưa nhau về đâu để yêu nhau khi không còn bò trên trần nhà cho bạn ngó? Nếu chưa, hãy nghe tôi kể nhé!

Thằn lằn - Chàng gặp Thằn lằn - Nàng trong một đêm dưới ánh trăng huyền ảo (xin lỗi, ý tôi muốn nói ánh đèn nê-ông). Như đã hẹn em từ muôn kiếp trước - nhớ em mấy thuở bạc đầu, tim chàng đê mê run rẩy, đuôi chàng ngoe nguẩy, ngoe nguẩy. Thế rồi Góc phố thân quen ghi lời ước hẹn, Tình yêu như đóa hoa hồng tươi…(chính xác là góc tường thân quen).

Như bao nhiêu cặp tình nhân trên cõi đời này, Thằn lằn - Chàng và Thằn lằn - Nàng đi tìm một chốn riêng tư để vun đắp tình yêu của mình. Trong một đêm thanh, chàng đã tìm ra cõi mộng ấy. Một làn hương thoang thoảng, là lạ đã quyến rũ chàng đến một hang động nọ (đó là chàng nghĩ vậy, còn thật sự đấy là gì thì chàng đâu biết được). Chàng đặt tên là Động hoa vàng và đưa nàng về đó.