Có những lúc bạn có thừa tiền để vào những nhà hàng sang trọng, hoặc những quán ăn sân vườn thơ mộng, nhưng gánh bún riêu ở vỉa hè mới làm bạn khoái khẩu, hoặc một tô cháo lòng xì xụp húp bên vệ đường sẽ thật là “sướng”. Ngon, rẻ, lại thật là phù hợp với hoàn cảnh của bạn lúc ấy (đang mệt, ngồi phệt xuống mà chén ngay thay vì phải trịnh trọng vào nhà hàng, lật qua lật lại cái thực đơn để chọn món, gọi món, rồi ngồi rờ râu chờ phục vụ...). |
Tôi cũng vậy. Hôm nọ, cái laptop second hand của tôi bỗng giở chứng... sổ mũi. Xách máy tới các trung tâm sửa chữa, bệnh viện máy tính lịch sự, sang trọng, tôi được tiếp đón rất đàng hoàng, niềm nở. Nhưng nơi nào cũng trịnh trọng lập cho tôi một biên bản nhận máy, kèm theo một phiếu hẹn năm bảy ngày sau trở lại để nhận kết quả. Thiệt khổ, công việc thì gấp, nhưng đành chờ chứ biết phải làm sao? |
Đến hẹn, tôi quay lại. Nhân viên kỹ thuật nhiệt tình thông báo cho tôi biết máy laptop của tôi bị hư cái linh kiện gì đó, muốn thay thế thì xác nhận đồng ý với họ, họ sẽ đặt hàng ở nước ngoài, khoảng 2 tuần sau sẽ có hàng, nhưng giá hơi cao! Trời, chi phí sửa chữa gần bằng nửa giá cái laptop, đã vậy lại phải chờ cả nửa tháng. Tôi không nỡ lòng nào... đồng ý. Nhân viên kỹ thuật gợi ý cho tôi rất... thiện chí: Hay là anh bỏ quách cái máy này đi, mua máy mới xài cho sướng? |
Tôi xách máy về, ca bài "ôi ta buồn ta đi lang thang, bởi vì đâu...?". Bỗng sực nhớ tới anh bạn làm dịch vụ sửa chữa tại nhà, tôi bèn mò tới. |
Nhà - và cũng là điểm dịch vụ sửa chữa của anh ta - nằm trong hẻm, hơi khó tìm. Khác với những trung tâm sửa chữa quy mô, sàn nhà gạch men bóng lộn, bảng đèn rực rỡ, nhân viên mặc blouse trắng như bác sĩ, căn phòng chưa tới 15 mét vuông của anh ta ngổn ngang xác máy, chẳng biết cái sàn nhà ra sao, vì đồ đạc lểnh nghểnh chất đầy phòng. Tôi lò dò tìm được một cái ghế đẩu, ngồi “khai bệnh” với anh ta. |
Nhìn bàn làm việc lung tung phụ tùng, linh kiện máy của anh ta, tôi chẳng biết đặt cái máy laptop của mình vào đâu. Sau khi nghe tôi khai bệnh xong, anh ta cười xòa phán một câu: “Chuyện nhỏ!”, rồi xua xua tay để dọn một chỗ trống trên bàn cho tôi đặt “bệnh nhân” lên. |
Sau nửa tiếng hì hục thử tới thử lui và lôi trong đống tả pí lù các phụ tùng để đầy nhà của anh ta một thứ linh kiện gì đó (thề có đất trời chứng giám, nếu không phải là chính anh ta, chắc không có thánh thần nào có thể tìm ra một linh kiện cần thiết trong cái đống "xà bần" ngổn ngang ấy), anh ta lắp nó vào máy của tôi. Vậy là xong! Máy lại hoạt động bình thường! Tôi chỉ phải trả cho anh ta một chi phí không đáng vào đâu, giống như ta đi ăn cháo lòng so với đi ăn nhà hàng vậy! |
Ở TP.HCM, có một quán ăn nổi tiếng. Chủ quán đã cất công đi tìm những bà Tư, cô Tám bán hàng rong ngon nổi tiếng, đưa về quán của mình, tạo nên một nét đặc biệt. Khách đến đây thật đông, vì vừa được ăn ngon, vừa đỡ phải mất công đi tìm các gánh hàng rong. Bà Tư, cô Tám đỡ phải bôn ba hang cùng ngõ hẻm. Chủ quán vui vẻ vì thu được tiền. Nếu trong lĩnh vực dịch vụ sửa chữa làm được điều này, có lẽ cũng là một ý kiến hay! |
Tuy nhiên, nói vậy mà không phải vậy. Như anh bạn tôi, đã từng làm chuyên viên kỹ thuật cho các công ty lớn, cũng đã từng mở doanh nghiệp riêng cho mình, nhưng cuối cùng cũng quay về với “gánh hàng rong” như đã kể ở trên. Bởi vì cái tạng người anh ta nó như thế, cái phong cách anh ta nó như thế - không làm việc ở các đơn vị quy mô, bài bản được. |
Thôi thì cũng hay, điều này tạo nên sự đa dạng của dịch vụ sửa chữa. Ai muốn ăn nhà hàng, quán sân vườn thì ăn, ai muốn bún riêu, cháo lòng ở gánh hàng rong thì cứ ghé. Miễn là cầu mong cho chúng cùng có thể tồn tại song hành bên nhau. Thêm lựa chọn, giảm độc quyền, tăng cạnh tranh. |
___eChip 279 - 2005 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét