Biểu tượng @


Hắn bén duyên với tin học từ cách đây hai mươi năm, thuở mà thế hệ 8x vẫn còn trong bụng mẹ hoặc chập chững tập đi trong nhà trẻ. Thuở ấy người ta thường gọi là tin học chứ không gọi là công nghệ thông tin như bây giờ. Biểu tượng của tin học lúc ấy rất khô khan và đơn giản, nó là cái dấu chấm nhắc của DOS (C>), chứ không phải là a còng như bây giờ.

Tình yêu của hắn với tin học bắt đầu từ cái thuở ban sơ ấy, với những chương trình viết bằng Pascal, Basic… với những hệ soạn thảo văn bản đơn giản như VietRes, BKEd… Rồi hệ điều hành Windows ra đời, rồi Internet phát triển. Hắn càng say sưa hơn nữa với những phát triển tuyệt vời của công nghệ thông tin, và dĩ nhiên bây giờ hắn cũng đã đưa cái dấu chấm nhắc khô khan kia vào dĩ vãng để hiểu ngay rằng nói @ tức là nói về công nghệ thông tin.


Chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ

Ngày xưa, xưa lắc có đôi tình nhân yêu nhau đắm đuối. Chàng là Ngưu Lang, nàng là Chức Nữ. Cả hai say đắm trong men tình nên chểnh mãng việc Ngọc Hoàng đã giao. Ngọc Hoàng trừng phạt hai kẻ yêu nhau bằng cách đày hai người kẻ ở đầu sông, người cuối giòng sông Ngân.

Từ đó và nhiều ngàn năm sau nữa, đôi uyên ương xa cách nhau trong nỗi nhớ đằng đẵng, mỗi năm họ chỉ được gặp nhau một lần vào tháng Bảy. Nước mắt trùng phùng làm nên những cơn mưa ngâu sụt sùi không dứt.

Nhiều ngàn năm, Ngọc Hoàng vẫn chẳng động lòng và cho rằng đó là hình phạt xứng đáng dành cho những kẻ có tội.

Thế nhưng mấy năm trở lại đây, dường như Ngưu Lang Chức Nữ không còn yêu nhau nữa. Họ không còn nhớ nhau, thậm chí tháng Bảy đến họ cũng chẳng coi là thời điểm phải đợi chờ. Ngọc Hoàng nghe Nam Tào báo cáo lại sự việc trong một buổi… họp giao ban và Ngài vừa ngạc nhiên vừa bực bội. Nếu họ không còn nhớ nhau thì hình phạt còn có ý nghĩa gì nữa?


Mất bao lâu để thành chuyên gia công nghệ thông tin?

Đây là một đề tài nghiên cứu phức tạp, những nội dung ghi dưới đây không phải là ý kiến của Hai Ẩu mà được rút ra từ luận án tiến sĩ của một chuyên gia giáo dục (có nghĩa là có cơ sở khoa học đàng hoàng chứ không phải… ẩu).



Theo kết quả nghiên cứu này, để trở thành một chuyên gia (phần mềm hoặc phần cứng) thì chí ít anh chàng hay cô nàng này phải học xong đại học 4 – 5 năm, sau đó làm việc trong một công ty để vận dụng kiến thức và tích lũy kinh nghiệm – ít ra cũng phải 3 – 5 năm nữa (với điều kiện không bị công ty đó tống cổ vì quá hậu đậu). Vậy là phải mất 7 – 10 năm để trở thành một tay chuyên nghiệp về công nghệ thông tin.

Blog vô tội!

Bao nhiêu dồn nén đã đến lúc không chịu nổi, hắn đi đến quyết định cuối cùng: xin nghỉ việc. Hắn trút toàn bộ nỗi lòng mình lên blog, những chuyện tị hiềm nhau, những chuyện tranh giành quyền lợi, những thờ ơ trước đề nghị đổi mới… và cả những chuyện rất ư là chẳng-đụng-đến-ai, như là chuyện ứng dụng và phổ cập công nghệ thông tin, như là tạo blog…

Hắn đã đi rồi…

Buổi sáng hôm ấy, một gã rãnh việc trong cơ quan (cũ) của hắn sau khi nhâm nhi ly cà phê và phì phèo điếu thuốc bèn nhởn nhơ lang thang trên net để đọc mọi thứ linh tinh trên đời. Bỗng hai đùi gã rung rung, hai mắt gã giật giật, mười ngón tay gã lúng búng và môi thì lắp bắp: Ơ, thằng nào? Thằng nào móc họng mình đây? Thằng nào xỏ lá cơ quan mình đây?

Chẳng khó gì để gã biết rằng đó là blog của hắn. Thế rồi một cơn chấn động rần rật lan truyền, giống như lũ kiến đánh hơi được ai vừa làm đổ giọt mật.
  • Hả, có vụ gì thế?
  • Có thằng nó chửi xỏ cơ quan mình trên Internet nè?
  • Đứa nào? Có chửi tui hông?
  • Cho coi với. Bà kia xích ra, nó có chửi bà không mà bà dành coi vậy?

Tự sự mùa mưa

Thiên lôi:

Ây a! Chiều nay đây Thiên lôi ta đã làm xong nhiệm vụ, “oành” xong 36 phát trời long đất lở. Cha chả, nghe lời Bồ tát từ bi ta đâu có oánh chết mạng nào, dzậy sao dưới kia bọn nó vẫn tru tréo om sòm vậy kìa?

Ạ à, hiểu rồi, hiểu rồi, ta đã oánh bung 3 cái ti vi, 2 cái đầu đĩa, làm tan xác 39 cái modem ADSL và khét lẹt 17 cái mainboard. Hừ, ai bảo các ngươi truy cập internet cho cố vào, Bồ tát biểu ta đừng oánh chết người chứ đâu có biểu ta tha cho modem. Lỗi tại các ngươi, trời giông gió mà còn cố online, ta nào có lỗi chi, ta là Thiên lôi, chỉ đâu đánh đó thôi mờ!

Em gái sử dụng máy:

Hu hu, trời mưa buồn quá, mình đang chat cho đỡ buồn, tự nhiên cái máy bỗng xịt xịt xẹt xẹt rồi… cứng đơ. Máy mới mua có một tuần mà đã hư rồi, phải kêu bảo hành mới được.

Thôi chết, nhớ ra rồi, hồi nãy sét đánh cái đùng làm máy cháy rồi. Phiếu bảo hành có ghi rõ: Không bảo hành trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn. Làm sao bi giờ?

Được rồi, mình sẽ nói là đang xài tự nhiên nó hư. Mình sẽ nói dóc là không hề sử dụng máy lúc mưa to. Vậy là tại chất lượng kỹ thuật của máy kém, mới mua mà đã hư. Đâu phải lỗi tại mình. Bắt đền, bảo hành đi!


Ôm chân giường mà khóc hu hu

Chuyện tiếu lâm kể như vầy: Có một người phụ nữ đã đứng tuổi mà vẫn chưa chịu lấy chồng. Chị ta đưa ra nhiều lý do cho quyết định của mình: nào là không muốn mất đi cuộc sống tự do, nào là không muốn xa cha mẹ… Thế nhưng theo quy luật của tạo hóa, một ngày nọ chị ta cũng phải kết hôn. Trong lễ cưới, chị cứ rấm rức khóc hoài. Qua đêm tân hôn, mọi người thấy chị ta ôm chân giường mà khóc hu hu. Ai nấy đến khuyên can, rằng không nên bi lụy quá, ai cũng phải lấy chồng mà. Nghe đến đây, chị càng khóc rống to hơn, bù loa bù loa lên mà rằng: Hu hu, tiếc ơi là tiếc, biết lấy chồng mà như vầy thì tui đã… lấy chồng từ cách đây hơn mười năm rồi chứ đâu đợi đến bấy giờ!...

Tôi có 2 ông bạn, đều đã ở tuổi U50, một người là quan chức và là nhà văn hóa lớn, một người là nhà kinh doanh có tầm cỡ. Cả 2 ông này đều không màng gì đến blog bliếc, chat chit gì cả. Cũng phải thôi, vì đã ở lứa U50 rồi đâu còn “máu” như lứa 8x, 9x. Thêm nữa, cương vị của 2 người khiến cho cả hai đều thấy rằng blốg bliếc và chat chit là chuyện vô bổ của bọn choai choai. Ông quan chức văn hóa có ấn tượng xấu với blog, chat vì thấy rằng có vô số tệ nạn phát sinh từ những loại hình này. Ông nhà kinh doanh thì cho rằng đấy là chuyện mất thời giờ đối với dạng người bận rộn như ông.


Đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ

Câu chuyện tôi sắp kể không phải chuyện đời xưa, mà là chuyện năm 2007 – và nơi xảy ra chuyện không phải một xứ sở thần tiên nào mà chính là một nơi trên đất nước Việt Nam của chúng ta. Thế nhưng do đặc điểm của câu chuyện, xin hãy gọi nó là chuyện cổ tích vậy nhé!

Khi chúng tôi gửi xe hai bánh để vào chợ Dương Đông (Phú Quốc), tôi lúng túng chờ hoài mà chẳng thấy người ta đưa cho mình chiếc thẻ giữ xe. Rồi đến khi lấy xe cũng thế, cũng chẳng cần giấy tờ gì cả mà người giữ xe chỉ tỉnh bơ “Xe nào của ông, ông cứ lấy!”.

Đem điều kỳ lạ này hỏi anh bạn Phú Quốc, anh ta cười xòa, nói:

Tại anh ở xa đến nên không biết, xứ này không có trộm cắp gì cả. Mà đã không ai lấy trộm xe của anh, anh cũng chẳng lấy trộm xe ai thì có cái thẻ giữ xe để làm gì?

Và anh ta kể thêm một cách tự hào:

Ban đêm dân ở đây ngủ không cần đóng cửa, hoặc đồ đạc vẫn để ở ngoài sân mà không hề mất. Thí dụ như nhà tôi đây, anh nhìn ngoài sân kia, bao nhiêu là cây kiểng giá trị, rồi máy bơm nước… cứ bỏ đó mà có mất đâu. Hà, ngày mai tôi sẽ chỉ cho anh một số cái nhà đã xây xong mà không thèm làm cửa, chỉ có một tấm rèm phất phất phơ phơ để làm đẹp và che tí nắng gió thôi!


Lập trình như cơm bình dân

Hắn là một tay kiếm sống bằng nghề viết phần mềm. Gọi là lập trình viên thì hơi “sang” quá, bởi vì trình độ của hắn cũng chỉ… lùn lùn thôi, chứ chẳng phải trình độ cao như mấy anh lập trình viên thứ thiệt. Cái thứ ngôn ngữ lập trình mà hắn biết chỉ là Visual Basic for Application, tức là lập trình trong các phần mềm tin học văn phòng như Excel, Access… Những thứ “đồ chơi” cao cấp hơn, như Java, C++, Oracle… thì hắn nghe qua cứ như là vịt nghe sấm.

Vậy thì hắn “sản xuất” cái gì, kiếm ăn ra sao? Có lần tôi được nghe hắn kể như sau:

Lập trình cho các công ty như chương trình quản lý nhân sự, quản lý kế toán thì em không kham nổi rồi, các chương trình vĩ mô như đề án 112 chẳng hạn thì càng chẳng thể nào có cái ghế đẩu cho em ngồi (thậm chí ngồi lê lết dưới đất cũng hổng có chỗ!). Em chỉ rình rình làm mấy cái phần mềm bé xíu xìu xiu để kiếm ăn thôi. Thí dụ một cái cho ông anh dễ hình dung nhé. Có một ông chủ cây xăng có chế độ khuyến mãi cho mấy ông tài xế tới đổ xăng, trong tháng bác tài nào đổ hơn 100 lít thì cây xăng khuyến mãi cho 2 lít. Làm sao ổng ghi nhận được? Lấy cuốn sổ, mỗi lần xe nào tới đổ xăng thì ghi số xe, số lít xăng, rồi dò lại số liệu trong tháng coi đã đổ mấy lần, cộng lại coi đủ 100 lít chưa để khuyến mãi. Ông anh nghĩ coi, động tác này mất bao nhiêu thời gian, mà còn trật tới trật lui nữa, trong khi xe người ta đổ xăng để đi công tác chứ đâu phải tới cây xăng để ngồi chơi, hơi sức đâu ngồi chờ để nhận… 2 lít xăng khuyến mãi. Tình cờ em tới đó đổ xăng cho chiếc Honda cà tàng của mình, thấy vậy em đề nghị viết cho ổng một chương trình (bằng Access thôi ấy mà) để nhập dữ liệu và tự động kết xuất xem chiếc xe nào đã đủ chỉ tiêu được thưởng, chi phí là 1 triệu rưỡi (100 đô đó mà!)


Sự chính xác của công nghệ

Cậu con của kỹ sư Tửng réo ầm lên: Ba ơi ba, cho tiền con mua cái USB!

Kỹ sư Tửng ngẩn người ra mất mấy giây, không hiểu thằng con mình tính mua cái gì, rồi chợt hiểu. Cái thằng, dùng chữ trật lất, mình phải nhân cơ hội này “lên lớp” cho nó một mách để nó hiểu cặn kẽ thế nào là khoa học kỹ thuật. Tửng kêu thằng nhóc tới, lên giọng:
  • Con có biết USB nghĩa là gì không? Đó là viết tắt của chữ Universal Serial Bus, nghĩa là… ừm, đại khái là một cổng giao tiếp vạn năng. Ba biết con định mua cái gì rồi, con định nói đĩa USB chứ gì? Nhưng nói như vậy là sai, bởi vì máy in cũng có thể nối với máy tính qua cổng USB, máy chụp hình, máy scan cũng có thể nối qua cổng USB… Bây giờ con hãy nói cho đúng thuật ngữ kỹ thuật đi rồi ba sẽ cho tiền mua.
Cậu nhóc nhăn nhó nói:
  • Vậy thì con gọi là ổ đĩa di động nhe!
Kỹ sư Tửng lại sửa sai:
  • Ổ đĩa di động à? Đó là cái đĩa cứng, bỏ vô một cái HDD box xách tới xách lui. Còn cái mà con muốn nói nó có tròn đâu mà gọi là đĩa?

Xem tử vi trên máy tính

Với máy tính (và Internet) bạn muốn làm gì mà chả được? Chơi game, nghe nhạc, xem phim, cá độ bóng đá, tìm người yêu… Thế bạn có bao giờ xem tử vi trên máy tính chưa?

Tôi không hoài nghi về tính khoa học của khoa tử vi, cũng không phải là người mê tín, nhưng điều quan trọng là tôi muốn khai thác cho hết những điều Internet có thể mang đến cho mình. Thế là thử bói một quẻ xem sao!

Té ra những trang web xem tử vi đầy dẫy trên Internet, chẳng biết đâu là nơi có uy tín để chọn mặt gửi… lòng tin. Tôi vào trang web của một bà chiêm tinh gia Sara nào đấy, vì thấy nó xuất hiện khá sớm khi search bằng Google.

Quả là chọn đúng “thầy”, trong lòng tôi không khỏi nức nở khen thầm khi đọc những lời giới thiệu về năng lực và thành tích của “thầy” trên website. Và càng đúng hơn nữa khi trang web này sẵn sàng bói cho một quẻ không lấy tiền! Tôi chăm chú nhập vào ngày tháng năm và giờ sinh của mình (tử vi mà, phải nhập ngày giờ sinh chứ!), “thầy” hỏi thêm rằng muốn bói về cái gì. Tiền bạc, công danh hay tình yêu? Tôi chọn hết, không tính tiền mà, bệnh gì cữ?

“Thầy” thông báo rằng sẽ xem xét kỹ lá số của tôi và sẽ gửi đến kết quả sau.