No country for old men

No country for… con trâu!

Đúng ra phải nói như thế. Trâu cảm tác thế sau khi xem phim No country for old men.

Nhớ năm ngoái, năm chuột, mọi người hí ha hí hửng lôi con chuột máy tính ra kể lể mọi chuyện trên đời.

Năm nay năm trâu, trong máy tính không có con trâu nào cả! Thành ra chẳng biết kể lể chuyện gì trong máy tính có liên quan đến trâu. Buồn!

Xét về xu hướng phát triển thiết bị số trong năm 2009, có vẻ như năm nay sẽ phát triển những máy tính nhỏ gọn như netbook, mini-note… Càng lúc càng nhỏ. Híc, máy tính sẽ phát triển theo hướng nhỏ như con thỏ, chẳng ai nói nó sẽ phát triển theo hướng ngầu như con trâu. Chẳng chuyện gì dính dáng đến trâu. Buồn!


Hay thử xem qua lĩnh vực phần mềm, có ai so sánh các chàng lập trình viên thông minh như… trâu không nhỉ? Không, chắc chắn là không! Trâu không thể dính dáng gì đến lập trình, trừ khi người ta nói các lập trình viên cày như trâu hoặc thông thái như… trâu, mà điều này thì…vô cùng phạm thượng!

Bởi thế nên dù năm mới do mình cầm tinh đã đến nhưng trâu rất buồn, cảm thấy mình là kẻ lạc loài giữa thế giới số này.

Một nhà thơ biết nỗi niềm của trâu nên tìm đến. Chàng mang đến cho trâu xem một bức tranh hay ảnh ghép chi đó, có một chú mục đồng đang cỡi trâu. Điểm nhấn là chú bé này đang cỡi trâu với một cái laptop thật oách đặt trên lưng trâu. Hai câu thơ được đặt ở bức tranh:
Ai bảo chăn trâu là khổ?
Ta mơ màng chơi laptop trên lưng trâu.

Nhìn bức tranh, trâu thấy hởi lòng hởi dạ, gục gặc đầu sung sướng. Rồi thì cũng có chuyện để cho trâu liên quan đến IT.

Nhà thơ say sưa diễn tả:
  • Bức tranh này diễn tả ý tưởng rằng IT càng ngày càng phổ biến, chăn trâu cũng xài laptop! Nó cũng nói rằng mạng wifi đã vô cùng phổ biến, ra đồng cũng có thể chơi wifi thoải mái. Còn nữa, nó còn nêu lên ý tưởng rằng sử dụng IT rất đơn giản, ngồi trên lưng trâu cũng xài được. Và nhiều nhiều tư tưởng cao siêu nữa…
Trâu nghe mê mệt, càng nghe càng thấy sướng. Nhà thơ càng không muốn hoãn cái sự sung sướng đó lại nên vẫn thao thao bất tuyệt: 
  • Chắc chắn mọi người sẽ lấy bức tranh này để làm biểu tượng cho năm trâu. À, hơn thế nữa, nó sẽ được cách điệu thành logo năm trâu, còn 2 câu thơ tuyệt vời này sẽ thành slogan.
Ngẫm nghĩ một hồi, trâu hỏi lại nhà thơ:
  • Hay quá, nhưng mà có… thật vậy không?
Nhà thơ tỉnh bơ trả lời:
  • Không! Làm gì có chuyện chăn trâu mà chơi laptop, tìm quyển tập, quyển sách cũ để học đã là đổ mồ hôi sôi nước mắt rồi. Còn cái chuyện phủ sóng wifi ra đồng hả? Đừng có mơ! Ở thành phố còn chưa chắc phủ sóng đủ. Mà có đường truyền đi nữa cũng giật cục, giật cục chứ có ngon lành chi đâu!
Trâu run lên, hỏi nhà thơ:
  • Vậy… vậy sao anh lại diễn giải nghe hay thế?
Nhà thơ cười hì hì, nói:
  • Thưa bác trâu, chả dấu gì bác, em là nhà thơ mà còn kiêm luôn làm chuyên gia PR và marketing nữa đấy. Em cứ là có khối ý tưởng PR tuyệt vời, đâu cứ gì phải đúng với thật ạ? Cứ nghe mê mẩn là được rồi. Em đang làm PR cho bác đây, bác có cần thêm ý tưởng gì nữa không?

Vậy ra trâu vừa gặp một chuyên gia PR hay chuyên gia thương hiệu gì đó. Không biết cuối cùng trâu có tiếp nhận ý tưởng PR của nhà thơ ấy không, chỉ biết rằng khi tôi gặp thì trâu đang nằm nhơi cỏ, miệng lẩm bẩm:
  •  No country for old men. No country for con trâu…
____________
Siêu thị Số - số 23, tháng 2/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét