Tam Tạng thỉnh kinh

Bạn tôi là Trần Huyền Trang, tức Tam Tạng. Nghe tên chắc các bạn biết ngay rằng anh làm nghề… thỉnh kinh. Có điều thỉnh kinh thời nay không phải đi Thiên Trúc xa xôi như ngày xưa, vì thế giới đã phẳng rồi mà.

Tam Tạng là người rất có tâm huyết với nền văn hóa, lịch sử xứ Đông thổ Đại Đường của mình. Anh muốn tập hợp các thông tin ấy lại, và bằng giải pháp nào đó giúp cho mọi người có thể tiếp cận, tìm hiểu các thông tin ấy một cách thuận tiện nhất. Niềm tâm huyết ấy được hoàng huynh của anh là Đường Thái Tông hết lòng ủng hộ, Ngài ra một chỉ dụ tạo mọi điều kiện cho Đường tăng hoàn thành tâm nguyện của mình, vì đó cũng là điều mong ước của triều đình, nhằm nâng cao đời sống văn hóa của bá tánh. Đó chính là sứ mệnh thỉnh kinh của Đường tăng.

Như ta đã biết, để thực hiện được việc thỉnh kinh, Tam Tạng không thể làm một mình, bên cạnh anh phải có những đệ tử tài ba mà ngày nay người ta gọi là chuyên gia (dân dã thì gọi một cách nôm na là… thầy dùi). Một đệ tử có bảy mươi hai phép thần thông, thiên biến vạn hóa chính là chuyên gia công nghệ thông tin Tôn Ngộ Không.


Với tài phép của mình, Tôn Ngộ Không nhanh chóng thiết kế nên một dự án thư viện điện tử. Bạn cần biết rằng không có gì là không thể được đối với Tề thiên đại thánh Tôn Ngộ Không. Hệ thống này gồm cả thật và ảo. Thật là một thư viện đồ sộ được dựng nên, với hàng trăm máy tính hiện đại nhất trong một hệ thống mạng cực kỳ tinh vi. Ảo là những website, portal vô cùng công phu để mọi người đều có thể truy cập đến những thông tin quý giá qua internet.

Bên cạnh đó, Tam Tạng còn có một đệ tử khác là chuyên gia tài chính Trư Bát Giới. Anh này lo toàn bộ chuyện tài chính cho việc đầu tư hệ thống mà Tôn Ngộ Không đã vẽ nên. Nói cho cùng, Trư Bát Giới cũng có vài tính xấu như tham ăn, háu sắc… nhưng vốn là Thiên Bồng nguyên soái, nghĩa là cũng thuộc gốc gác Nhà Trời, nên mọi việc đều được Trư giải quyết chuyện tiền bạc rất nhanh chóng.

Cuộc thỉnh kinh nào mà chẳng gian nan. Cũng có yêu quái chặn đường, đòi ăn… (ăn cái khác, không phải ăn thịt Đường tăng). Nhưng nhờ Phật Trời phù hộ, giải hết mọi nạn tai (điều này cũng dễ thôi, vì đa số yêu quái đều là… đệ tử của Trời, Phật).
Thời gian thấm thoát thoi đưa, không phải mười mấy năm, mà chỉ vài tháng sau công cuộc thỉnh kinh đã hoàn thành. Tam Tạng cùng Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới hoan hỉ báo công lên vua Đường. Công trình tiêu tốn đến hơn một vạn lạng vàng, nhưng để chứng minh rằng triều đình đã hết lòng vì đời sống văn hóa của nhân dân, Bát Giới đã đề nghị nâng con số lên thành hai vạn, càng thêm nhiều “ấn tượng”.

Vua Đường rất hân hoan, ban bố khắp thiên hạ rằng từ nay Đông Thổ Đại Đường đã có “kinh”, nhà nhà tha hồ mà hưởng thụ văn hóa, Ngài cũng ban thưởng cho thầy trò Đường tăng thật trọng hậu.

Tôi gặp anh bạn Trần Huyền Trang – Tam Tạng trong một quán café wifi. Anh đang ngồi hí hoáy sử dụng laptop. Tôi đến chia vui về chuyện công thành danh toại của anh.

Tam Tạng buồn thiu, nói: Đã được gì đâu mà công thành danh toại?

Tôi ngạc nhiên hỏi: Thế cái thư viện điện tử to đùng, hệ thống mạng hiện đại và lễ báo công rầm rộ kia là gì?

Anh nói: Cái quan trọng nhất là “kinh” thì chưa hề có! Toàn bộ kinh phí đã dành cho việc xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, viết phần mềm, nhưng cái quan trọng nhất là dữ liệu văn hóa, xã hội, lịch sử để đưa lên đó thì chả ai lo cả. Bây giờ thư viện điện tử chỉ để… ngó cho vui thôi.

Tôi thông cảm với anh, chuyện “thỉnh kinh” mà anh muốn nó trừu tượng quá, không cụ thể như việc xây nhà, mua sắm thiết bị nên không ai muốn quan tâm. 

Tôi hỏi: Vậy bây giờ anh đang làm gì đây?

Tam Tạng trả lời: Tôi đang sưu tầm lại các thông tin tư liệu của mình, tìm cách post lên mạng hoặc ghi lại thành đĩa để có cách phổ biến cho mọi người.

Té ra là vậy, bây giờ Tam Tạng mới lại bắt đầu công cuộc thỉnh kinh của mình. Buồn cho anh là giờ chẳng có đệ tử nào phó tá anh để cùng đi trên con đường này. Cuộc thỉnh kinh nào mà chẳng gian nan, có ai muốn đi theo Đường Tam Tạng hay không?
___
eChip - tháng 9/2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét