Đường đi của tài năng

Tôi có biết hai anh bạn trẻ là chuyên viên công nghệ thông tin, ta cứ gọi là anh Tí và anh Tèo nhé. Nghe nói là hai anh giỏi lắm, giỏi từ hồi còn là sinh viên ở trường với những đề tài nghiên cứu rất có giá trị.

Anh Tí may mắn được tham gia vào một đề án công nghệ thông tin tầm cỡ quốc gia. Như rồng gặp mây, cá gặp nước, Tí có dịp cống hiến tài năng của mình. Vốn có tài, Tí nhanh chóng nhận ra ngay việc triển khai đề án có cái gì đó không ổn. Anh định kiến nghị, nhưng nghĩ lại thấy không cần thiết, bởi vì có bất ổn như thế anh cũng chẳng thiệt hại gì. Kiến nghị thay đổi vừa tốn công sức, lại có thể hại đến bản thân. Điều quan trọng là với cách làm như vậy anh (và những người ở trên anh) có những nguồn thu nhập dồi dào mà không phải lo nghĩ, nghiên cứu gì nhiều. Mây nào cũng là mây, nước nào cũng là nước, chẳng phải đây cũng là rồng gặp mây, cá gặp nước hay sao?

Thế là công việc của Tí gần như không liên quan gì đến công nghệ thông tin – hay nói chính xác hơn là không mang tính nghiên cứu hiệu quả về công nghệ thông tin, nó chỉ chủ yếu để giải thích cho hợp lý cách sử dụng nguồn ngân quỹ dồi dào phục vụ cho công trình trọng điểm của quốc gia. Những kiến thức của Tí về công nghệ thông tin nhợt nhạt và lạc hậu dần, thay vào đó là những kiến thức phết phẩy để kiếm ra tiền nhanh nhất!


Tèo không may mắn như vậy. Anh là một chuyên gia lập trình tài giỏi, nuôi trong lòng một ước mơ cháy bỏng là đem chất xám của mình tạo nên những phần mềm hiệu quả để phục vụ cho việc quản lý, nhưng đã “hết chỗ” trong đề án dành cho anh. Người ngoài thì sáng, nên anh càng thấy rõ hơn những bất ổn của đề án, cụ thể là những phần mềm dùng chung – sản phẩm đúng với nghề lập trình của anh. Anh miệt mài tạo nên những phần mềm mới và đề xuất sử dụng những phần mềm ấy.

Thế nhưng, như ta đã nói, đề án đã “hết chỗ” dành cho anh. Chẳng biết rằng những phần mềm ấy có đáp ứng đúng yêu cầu của đề án hay không, chỉ biết là chẳng ai dòm ngó gì tới nó cả. Buồn tình, Tèo đem phần mềm sáng tạo của mình bán với giá bình dân. Chẳng ai mua cả. Người ta không dám mua, vì lệnh trên buộc phải dùng phần mềm dùng chung do đề án đưa xuống. Người ta không thể mua, vì không được duyệt kinh phí – kinh phí đã dành cả cho đề án to tát nói trên rồi.

Mấy năm ròng như vậy, Tèo ngày càng eo hẹp về tài chính. Hơn nữa, có nỗi buồn nào như nỗi buồn làm ra tác phẩm mà chẳng ai màng thưởng thức để xem tác phẩm ấy hay dở thế nào?

Tèo bỏ nghề lập trình, quay ra làm nghề… sửa xe đạp! Có người quen thấy thương tình giúp anh ít vốn để đi buôn. Cuộc sống của Tèo ổn hơn từ đó.

Đề án nói trên kéo dài trên 5 năm, đến giờ đã dừng lại.

Tí không còn làm việc cho đề án, nhưng anh cũng chẳng còn biết gì về công nghệ thông tin để mà làm. Có cố học lại thì cũng đã quen nếp làm việc khi còn làm đề án, không có tính khoa học – hiệu quả nữa rồi.

Còn Tèo? Bây giờ cuộc sống tạm ổn với nghề đi buôn. Anh thề rằng sẽ chẳng bao giờ mó tay vào việc lập trình nữa cả, một công việc đã lấy của anh quá nhiều thời gian để trả lại những nỗi thất vọng chán chường.

5 năm là một quãng thời gian không dài, không ngắn, nhưng quá đủ để làm thui chột đi một lớp người tài năng về công nghệ thông tin (vốn không được dồi dào cho lắm). Có lẽ đó cũng là kết quả của đề án nói trên vậy!
___
eChip - tháng 9/2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét