Giới làm phần mềm tại Việt Nam đang than trời như bọng về nhiều chuyện. Chuyện thường ngày là những CD software vừa ra lò buổi sáng thì buổi chiều đã có đĩa lậu bán tràn lan với giá… bình dân 6 ngàn một cái. Chuyện đau hơn nữa là các công ty cung cấp giải pháp sau thời gian dài (có khi đến mấy năm) đầu tư nghiên cứu ra những công nghệ mới, chưa kịp tung ra sản phẩm thì nhân vật được đầu tư đã tỉnh bơ cuốn gói ra đi, đem theo hết những bí quyết công nghệ. Y ta đường hoàng mở công ty mới, áp dụng những công nghệ ấy để tạo ra sản phẩm cho riêng mình. Công ty đã đầu tư chi phí và thời gian cho đương sự chỉ còn nước kêu trời vì không biết làm sao kiện để chứng minh những bí quyết đó là của mình!
Bởi vậy tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy hắn làm giàu được nhờ phần mềm, càng ngạc nhiên hơn nữa vì nghề chính của hắn là chuyên viên phần cứng, chuyên môn phần mềm của hắn chỉ là setup các software vào máy của khách hàng (như MS Windows, MS Office, Acad, Corel Draw…), mà hầu hết cũng đều là phần mềm lậu. Chắc hẳn là có điều gì bất ổn ở đây.
Tôi hỏi hắn: Chú mày làm đĩa CD lậu đem bán hả?
Hắn bĩu môi, xì một tiếng: “Đẳng” như em mà đi copy đĩa lậu để kiếm lãi mấy nghìn một đĩa à?
Hắn không thể là một chuyên gia phần mềm được đào tạo rồi cưỡm công nghệ của công ty mình. Vậy là sao? Hắn làm cái trò gì mà “phất” thế? Gặng hỏi mãi, hắn mới nói:
- Em xin tuyên bố với đại ca là em không chơi trò hèn. Kiếm tiền một cách xứng đáng với công sức.
Hắn kể rằng có một lần hắn đi sửa máy tính cho một công ty nọ, hắn tò mò thấy trên đĩa cứng của máy có một phần mềm mà công ty này đang sử dụng. Nghe đâu chương trình này công ty phải mua đến mấy ngàn đô. Giả vờ như cần phải chạy thử chương trình mới kiểm tra máy được, hắn nhờ tay quản lý máy cho password của chương trình để chạy. Thế rồi hắn len lén copy toàn bộ chương trình ấy để dành, password thì ghi nhớ trong đầu.
Thế rồi trong quá trình đi quan hệ sửa chữa máy tính ở các công ty khác, hắn gạ hỏi người ta có nhu cầu xài phần mềm như vậy không. Hễ có, hắn liền cài chương trình vào máy và bỏ túi tiền “bán” phần mềm cỡ 10 triệu đồng một lần. Cứ thế, không cần lập trình mà hắn vẫn có tiền phần mềm xài dài dài!
Tôi cự hắn: Vậy mà chú mày bảo là kiếm tiền đàng hoàng à? Vậy là ăn cắp!
Hắn lý sự lại ngay: Dựa vào đâu mà đại ca bảo em ăn cắp? Em không lấy của cái thằng viết ra phần mềm, mà là của cái thằng xài phần mềm tự dưng nó cho em.
Tôi phản đối: Nhưng chú mày lại lấy công sức của người ta đem bán, lấy tiền bỏ túi!
Hắn nói: Em làm đúng, và đáng khen. Báo chí đang ca ngợi và khuyến khích thế hệ 8x chúng em năng động, sáng tạo, làm lợi cho xã hội. Những điều em làm chính là đáp ứng yêu cầu ấy. Nếu không nhạy bén chớp lấy thời cơ thì làm sao em phát hiện cái phần mềm “hay hay” ấy trong đĩa cứng của người ta để mà copy về, không nhạy bén thì chỉ có sửa máy xong rồi về thôi đại ca ạ. Nếu không năng động sáng tạo sao em tìm ra được mấy thằng công ty đang cần phần mềm để bán?
Hắn còn nói thêm: Em còn làm lợi cho xã hội nữa. Nếu không có em, thằng công ty cần xài sẽ không có phần mềm để xài. Mấy thằng lập trình ngờ nghệch kia đâu biết chỗ để bán. Giờ thì chẳng những công ty cần xài có phần mềm để xài mà còn tốn ít chi phí nữa. Nếu nó đi mua ở chỗ thằng viết phần mềm thì phải tốn tới mấy ngàn đô, còn chi cho em chỉ có 10 triệu. Cái nào rẻ hơn?
Tôi cảm thấy đuối lý, nhưng vẫn phán: Kiếm tiền như vậy là bất chính!
Hắn cười khẩy: Đại ca gàn lắm. Cứ cho là đại ca nói rằng em ăn cắp là đúng đi, thì có gì là tội lỗi? Chẳng phải đại ca cùng cả triệu người khác cũng đang xài phần mềm không có bản quyền, như Windows, Office… đấy sao? Em đâu có làm khác mọi người trong xã hội này, mà lại còn “năng động, sáng tạo”, đáng được tưởng thưởng lắm chứ! Mà này, đại ca không nghe từ xưa ông bà ta đã dạy hay sao:
Con ơi nhớ lấy lời cha
Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm!
___
eChip - tháng 11/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét