Tâm sự kẻ mất dạy


Sau khi eChíp số 76 đăng chuyên đề về việc học, thi và cấp chứng chỉ tin học, một thầy-giáo-đã-mất-dạy tìm đến Hải Âu để tâm tình về việc dạy tin học của ông ta. Nguyên văn lời kể như sau:

Tôi là chủ một cơ sở dạy tin học, nhỏ thôi, nhưng cũng hơi bị... có uy tín. Vậy nên số lượng học viên cũng đông và có đều đặn, nhiều học viên ứng dụng được tin học tại nơi làm việc. Tôi cũng yên lòng với thiên chức đào tạo của mình. Thế nhưng mọi sự rắc rối lại bắt đầu từ đây.

Một người quen đến nhờ tôi “cấp” chứng chỉ tin học cho thằng con của ảnh để bổ túc hồ sơ xin việc. Đương nhiên là chuyện này không thể giải quyết được rồi, vì cậu ta có đi học ngày nào đâu, tôi phải “bảo vệ thương hiệu” cho chứng chỉ của mình chứ đâu thể bạ đâu cấp đó được. Tôi từ chối khéo, nhưng anh ta cứ nài nỉ và bảo rằng anh ta sẵn sàng “chi trả” cho việc cấp khống này, chứ còn bây giờ cần gấp lắm để bổ túc hồ sơ, đi học thì đâu có kịp. Tôi vẫn nhất quyết bảo vệ quan điểm của mình. Đến đấy thì anh ta không năn nỉ nữa mà mỉa mai: Chỗ quen biết tôi mới nhờ ông, vậy mà làm như có giá lắm! Đã vậy đây đ. cần ông nữa, để xem tớ có “mua” được chứng chỉ không! Quả nhiên, trong vòng một buổi anh ta đã khệnh khạng mang đến vỗ vào mặt tôi một cái chứng chỉ mới cáu, do một đơn vị cực kỳ uy tín trong ngành giáo dục cấp cho và chì chiết: Đừng có mà làm cao nữa nhé! Hic, tôi vừa quê, vừa mất đi một người bạn.


Một trường hợp khác, tế nhị hơn nữa. Số là trong số các học viên của tôi có một... sư cô. Kể cũng tội, sư cô không có khiếu lắm trong lĩnh vực tin học nên tiếp thu rất chậm, tụi tôi phải cử riêng ra một người để kèm cặp nhưng kết quả cũng chẳng khả quan gì. Đến lúc kiểm tra thì quả là không đạt, nhưng thử nghĩ xem nếu là anh anh có cấp chứng chỉ không? Người ta học vì tấm lòng thành, chứng chỉ là để “chứng” cho tấm lòng thành ấy cũng là điều hợp lẽ, phải không? Dè đâu sư cô đưa ra một danh sách năm bảy sư sãi, đề nghị đã lỡ cấp thì cấp cho trót, vì các vị chân tu này đều đang cần chứng chỉ tin học để bổ sung vô hồ sơ học cái gì đó trong phật pháp. Các vị này vì bận rộn đường kinh kệ nên không thể đến lớp được. Ôi, biết làm sao đây? Người ta là bậc tu hành mà, vả lại đâu phải mưu đồ lợi lộc gì với cái chứng chỉ quèn của tôi đâu! Nếu là anh, anh phải giải quyết ra sao?

Vô số những chuyện rắc rối như thế tiếp tục xảy ra. Tôi luôn luôn phải năn nỉ để từ chối, thậm chí... khóc lóc van xin các người ơi đừng nhờ tôi nữa, nhưng chẳng đặng đừng, đôi khi vẫn phải cấp vài ba cái chứng chỉ khống, bởi nếu không tôi sẽ bị... người đời xa lánh.

Áp lực như thế đã khiến tôi hoang mang rồi, chẳng còn tinh thần gì để giảng dạy nữa. Thế rồi một đòn cuối cùng giáng xuống khiến tôi đành buông tay.

Cơ sở dạy tin học của tôi là tư nhân, chịu sự quản lý của ngành giáo dục. Vì vậy lâu lâu lại “được” ngành giáo dục kiểm tra. Bản thân ngành giáo dục cũng có những cơ sở đào tạo của riêng mình, và vô tình tôi trở thành “đối thủ cạnh tranh” của những cơ sở ấy. Cái chuyện kiểm tra dẫn đến kết quả như thế nào anh có thể suy luận ra. Chỉ biết là tôi vô cùng nản chí và đi đến quyết định cuối cùng: Thôi ta đành mất dạy!

Câu chuyện của tôi là thế, bây giờ tôi đã yên tâm mất dạy. Tôi chỉ kể lại chuyện này cho anh nghe để nhìn lại việc cấp chứng chỉ tin học khống dưới một góc nhìn khác mà thôi!
__
eChip số 80 - tháng 3/2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét