Bạn đã từng nghe rao "Bánh mì Sàigòn, đặc ruột thơm bơ. Bánh mì Sàigòn, một ngàn một ổ!"
Một ngày nào đó bạn sẽ nghe rao "Phần mềm quản trị bán hàng, hữu ích tiện dụng. Phần mềm quản trị bán hàng, năm chục ngàn một bộ!"
Non tháng nay, một phần mềm quản lý được tung ra thị trường đã làm xôn xao dư luận. Sự xôn xao nằm ở giá bán của nó. Đó là phần mềm Quản trị bán hàng do Lê Hồng Đức thực hiện và phát hành. Khác với thông lệ một phần mềm quản lý phải được bán với giá có đơn vị tính là triệu đồng, phần mềm này được bán với giá… 50 ngàn đồng!
Bài viết này không phân tích chất lượng và giá trị của phần mềm (eChíp và một số báo khác đã có bài giới thiệu), mà chỉ xem xét khía cạnh thị trường của "vụ việc".
Về phía người mua, được mua một món hàng xài được với giá bèo quả là sướng thiệt. Năm chục ngàn đồng là một cái giá khiến người ta chẳng đắn đo chút nào khi phải bỏ tiền ra. Nếu xài được thì tốt quá, còn nếu không thì sự mất mát chả đáng là bao. Thậm chí, người chưa có ý định sử dụng phần mềm quản trị cũng tò mò mua thử xem sao, và có thể, nếu phần mềm đáp ứng được nhu cầu của họ thì họ sẽ từ chỗ chưa có ý định sử dụng sẽ trở thành người ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc quản lý của mình. Như vậy, đây là một việc có tác dụng khuyến khích người ta ứng dụng công nghệ thông tin. Bằng chứng là chưa đầy 2 tuần kể từ ngày được giới thiệu trên eChíp, phần mềm này đã bán được gần 1000 bản. Một con số kỷ lục đối với phần mềm quản lý!
Về phía người bán, đương nhiên giá bán thấp thì doanh thu thấp, lợi nhuận thấp. Nhưng bù lại họ được số lượng. Nếu bán được 1000 bản họ đã đạt doanh thu 50 triệu đồng. Tôi không tin là nếu bán 1 triệu đồng/bản họ sẽ bán được 50 bản trong 2 tuần để có doanh thu tương đương. (Cách đây 2 năm UNESCO Việt Nam có bán phần mềm kế toán với giá 1 triệu đồng/bản nhưng không thu được kết quả như thế). Trên thực tế, tác giả phần mềm đã làm nên sản phẩm này và bán lần đầu tiên cho một doanh nghiệp với giá 5 triệu đồng. Vì vậy, xét trên quan điểm hiệu quả kinh doanh họ đã thu hồi vốn rồi! Nhưng cái được lớn nhất đối với người bán chính là hiệu quả tiếp thị. Đùng một cái, một đơn vị lập trình nhỏ bé của một huyện Long Khánh xa xôi ở Đồng Nai được hàng ngàn người trên cả nước biết đến và sử dụng sản phẩm (phần mềm này đã được bán ra tận Hà Nội), và con số này có lẽ sẽ còn tăng thêm nữa. Từ chỗ biết đến thương hiệu sẽ dẫn đến những hiệu quả lớn hơn về sau. Dĩ nhiên là hiệu quả chỉ cao nếu sản phẩm của họ thực sự có chất lượng. Bạn cứ tưởng tượng "vụ việc" này giống như người ta tiếp thị dầu gội đầu bằng cách đem cho không những bịch dầu gội đầu bé tí để giới thiệu chất lượng sản phẩm và sẽ bán những chai dầu gội đầu lớn khi khách hàng đã biết đến sản phẩm dầu gội đầu của mình. Nếu hàng mẫu đem tiếp thị có chất lượng tốt thì khách hàng sẽ chọn mua sản phẩm của bạn, còn nếu chất lượng kém thì bạn mất cả chì lẫn chài. Ráng chịu.
Khía cạnh còn lại của vấn đề hơi thiếu tích cực. Hiểu thế nào thì đây cũng là hành động phá giá thị trường. Có thể sự việc sẽ gây phản ứng nơi các đơn vị làm ra sản phẩm tương tự. Vì nó sẽ kéo mặt bằng giá một số phần mềm quản lý xuống khá nhiều, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các đơn vị sản xuất. May mà đặc thù của phần mềm là rất đa dạng nên vẫn có thể lý giải được tại sao cái này rẻ, cái kia đắt. Chứ nếu không các đương sự trong vụ bán bánh mì tin học này có thể bị… ốm đòn.
Hiệu quả - hay hậu quả - của vụ này ra sao, chúng ta hãy chờ thêm ít lâu nữa xem sao. Dù vậy, có thể xem tác giả của phần mềm quản trị bán hàng này đang làm theo phương châm của eChíp: Tin học như cơm bình dân, thậm chí làm hơi quá tay, đến nỗi Tin học như bánh mì…
___
eChip số 28 - tháng 8/2003
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét