Tuần qua, một đại gia công nghệ thông tin đã tổ chức rút thăm trúng thưởng cho chương trình khuyến mãi của mình. Giải thưởng quá bự: giải đặc biệt là một chiếc xe hơi, giải nhất là máy tính xách tay Centrino… Ngộ một cái là người trúng giải đặc biệt lại bợ luôn giải nhất, cộng thêm 3 giải tư, tổng cộng 5 giải. Ngộ hai cái là người đó không phải người tiêu dùng mà lại là đại lý bán hàng cho đại gia… Thấy cái vụ này có vẻ hơi giống với chuyện trúng-thưởng-có-sắp-xếp mà chuyên gia tư vấn đã cố vấn cho tôi bữa nọ, tôi bèn tìm tới chuyên gia để hỏi ý kiến và nghe bình luận.
Chuyên gia nạt ngay khi tôi đặt vấn đề:
- Ê, đừng có suy bụng tui ra bụng người nghe ông! Mặc dù đại gia này không có “nhờ” tôi tư vấn, nhưng tôi chắc chắn chuyện khuyến mãi này là thật 100%, bốc thăm cũng vô tư 100%, chỉ là “xác suất” thôi ông bạn ạ. Vấn đề mà ông cần quan tâm lại ở chỗ khác kia!
- Tiên sinh có cao kiến gì chăng?
- Chính là ở “xác suất”. Ông hãy đọc lại quảng cáo khuyến mãi trên báo: Chương trình khuyến mãi Rút thăm trúng thưởng dành cho Người tiêu dùng. Như vậy đối tượng nộp phiếu trúng thưởng đại đa số (nếu không muốn nói tất cả) là người tiêu dùng. Và như vậy, tính theo xác suất thì đại đa số giải thưởng phải thuộc về người tiêu dùng. Thế nhưng thực tế lại khác, ngoài Cty K trúng 5 giải như ông đã nói, các giải còn lại cũng hầu hết thuộc về đại lý chứ không phải người tiêu dùng.
- Vậy có nghĩa là đa số phiếu đều do đại lý nộp. Ủa, nhưng mà họ lấy đâu ra lắm phiếu vậy?
- Chán thật. Có vậy mà cũng hỏi. Khi bán sản phẩm cho khách hàng, thay vì phải giao phiếu trúng thưởng, thì họ giữ lại làm phiếu của mình. Và còn nữa, chiêu này mới “độc”: ông biết rằng thời hạn khuyến mãi kết thúc ngày 25/12, đến ngày đó đại lý sẽ mua một lượng lớn sản phẩm, 1000 cái chẳng hạn. Thế là họ có trong tay 1000 phiếu rút thăm. Dĩ nhiên số hàng đó không thể bán hết trong ngày. Họ sẽ bán dần sau ngày 25/12, lúc ấy khách mua không có lý gì để đòi phiếu rút thăm vì thời hạn khuyến mãi đã hết. Còn 1000 phiếu thì họ nộp để dự rút thăm trúng thưởng cho riêng mình một cách hoàn toàn hợp lệ.
Tôi xuýt xoa:
- Vậy thì tội nghiệp cho đại gia quá. Họ muốn khuyến khích người tiêu dùng mua sản phẩm của mình và trao thưởng đến khách hàng, nhưng rốt cuộc tất cả đều về tay các đại lý!
Chuyên gia nghiêm nét mặt, trả lời:
- Tội nghiệp hay không tôi không biết, đại gia có những cách tính của mình. Ông cũng chẳng cần phải lo bò trắng răng làm gì. Điều cần làm với ông là từ chuyện này hãy rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân mình.
- Tôi hiểu, tôi hiểu. Bài học là: Nếu công ty tôi làm khuyến mãi phải có biện pháp sao cho giải thưởng phải đến tận tay người tiêu dùng, nếu không…
Chuyên gia gắt lên:
- Rõ khỉ, vậy mà cũng bảo là hiểu. Cỡ công ty của ông có bao giờ khuyến mãi được như vậy đâu, có mấy cái giải thưởng quèn trong buổi hội thảo mà còn tiếc… Bài học là thế này: Khi có đại gia nào tổ chức khuyến mãi mà ông được làm đại lý thì hãy bắt chước cách làm của các đại lý tôi đã kể ở trên, trên quan điểm cái gì trong nhà quan là của quan, quan không để rơi rớt, một cái phiếu rút thăm quan cũng quyết tâm giữ lấy. Mà nè, còn một điều nữa, khi ghi tên vào phiếu rút thăm nhớ đừng ghi đúng tên mình một cách quá thiệt thà như công ty K, hãy lấy tên của những người thân: ông nội, ông ngoại, cha vợ, mẹ vợ, em họ, em vợ… Như vậy, khi trúng thưởng cũng chẳng ai biết là phiếu của mình, thiên hạ đỡ dị nghị, rõ chưa?
___
eChip số 60 - tháng 1/2004
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét