Dọc đường gió bụi

Cả năm qua, “bình loạn thị trường” hơi có phần thiên vị các Thượng đế khách hàng, khiến cho nhiều người có cảm giác là Thượng đế luôn bị các người bán hàng xử ép. Nay nhân dịp cuối năm, xin được kể vài mẩu chuyện nho nhỏ để chứng minh rằng người bán hàng cũng là những kẻ rất… đáng thương và tội nghiệp!

Chuyện thứ nhất: Chuyện kể trên Tây nguyên

Anh P., chủ một doanh nghiệp máy tính ở Buôn Ma Thuột, vừa nhấp ly cà phê Ban Mê vừa kể:

Hồi năm 1997, thuở ở ta mới có Internet ấy mà, có một khách hàng đến đặt mua một máy tính với cấu hình cao nhất, mắc tiền nhất. Anh ta không đòi hỏi phải cài đặt phần mềm gì nhiều, chỉ cần làm sao có thể truy cập internet thật ngọt.

Một thời gian dài, không thấy anh ta yêu cầu bảo hành, bảo trì hoặc cài đặt lại chương trình gì cả. Tôi yên tâm rằng anh ta là một chuyên gia tin học, có thể tự cài đặt chương trình, tự xử lý những trục trặc phần mềm. Hơn thế nữa, là người thường xuyên truy cập internet để phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu của mình.


Thế rồi một đêm khuya, có lẽ khoảng 2 giờ, một “phát súng trên cao nguyên” nổ ra, à, tôi muốn nói là một cú điện thoại gọi giật tôi dậy. Người khách hàng đặc biệt này nói như hét, yêu cầu tôi phải thay ngay cái modem cho anh ta, muốn tính tiền “bi nhiêu thì bi”. Tôi năn nỉ bảo là chờ trời sáng nhưng anh ta nằng nặc đòi phải thay ngay.

Anh xem, đêm hôm khuya khoắt như vậy tôi phải vào công ty lấy hàng rồi chạy lên nhà anh ta để thay mỗi cái modem. Không hiểu có chuyện gì gấp gáp quan trọng mà phải cần truy cập internet vào cái giờ dã man như vậy chứ!
Thế rồi cũng xong. Và tôi cũng biết anh ta xem cái gì trên mạng. Anh đoán thử xem!

Té ra anh ta trang bị máy tính và modem chỉ nhằm một mục đích duy nhất là truy cập internet để… xem kết quả bóng đá quốc tế và cá độ bóng đá!

Chuyện thứ hai: Chuyện kể dưới miền Tây

Anh T., giám đốc công ty S tại Cần Thơ, uống cạn ly đế rồi kể:

Dạo ấy miền Tây đang vào mùa lũ. Trời thì mưa như trút nước, đường xá nước dâng lên cuồn cuộn. Ấy vậy mà tụi tui lại nhận được một cú điện thoại gọi từ một đơn vị ở huyện yêu cầu bảo hành máy in. Huyện cách Cần Thơ 50 cây số, đi bằng xe gắn máy trong điều kiện trời mưa, nước lụt như thế quả là chuyện gian nan thê thảm. Tụi tui đề nghị: Đang lũ lụt mà, làm sao đi được. Hay chờ nước rút rồi đi đươc không? Bên kia đầu dây gào lên: Trời ơi, lũ lụt mới cần sửa máy in đó anh ơi! Tụi em cần in gấp văn bản để báo cáo tình hình lũ lụt lên tỉnh mà. Lẹ lẹ lên cho tụi em nhờ mấy anh ơi!

Sau nửa tiếng đồng hồ tư vấn qua điện thoại về cách khắc phục hư hỏng vẫn không có kết quả gì, bên kia cho biết máy in vẫn chả thèm cục cựa cục kịch gì cả, anh em kỹ thuật đoán là tại trời mưa, nước chảy vào máy chập mạch rồi. Thế là một “chiến sĩ” được biệt phái lên đường, chở theo một cái máy in mới, phòng hờ không sửa được thì tạm thay cho người ta có máy sử dụng. Người mặc áo mưa, máy cũng mặc áo mưa, lên ngựa sắt vượt 50 cây số trong điều kiện trên thì nước đổ xuống, dưới thì nước dâng lên cuồn cuộn.

Cuối cùng thì cũng tới nơi, quả là máy in đang… chết ngắt. Không đèn tín hiệu, không động tĩnh gì cả. Bỗng “thằng” kỹ thuật viên nhìn vào ổ cắm điện: Sao không cắm điện? “Nó” bàng hoàng cắm dây nguồn máy in vào ổ cắm. Thử máy. Và kết quả là máy in hoạt động bình thường, không bị gì cả!

Té ra là lúc trời mưa to, nhân viên văn phòng sợ bị dột nên chuyển máy in từ bên trái sang bên phải. Khi dời chỗ thì phải rút dây điện ra. Nhưng sau đó… quên cắm lại.

Thế là xong, hoàn thành nhiệm vụ. “Thằng lính” của tui bước ra nhìn trời, nghĩ đến đoạn đường 50 cây số phải quay về mà trong lòng cảm khái muốn hát lên… vài câu vọng cổ!

Chuyện thứ ba: Chuyện kể ở miền Đông

Vị khách hàng bước vô, gặp nhân viên trực, mặt mũi hầm hầm:
  • Ở đây bán máy in cho tui dzậy đó hả? Mới mua mà đã hư rồi. Lúc mới giao thì in được, còn bi giờ sao hết in được rồi? 
  • Dạ, chú từ từ. Máy in của chú bị sao vậy chú? 
  • Không in là không in chứ làm sao! Cái đèn gì đỏ đỏ nó cứ chớp liên tục hà! 
  • À, có lẽ là kẹt giấy đó chú ơi. Chú xem lại, mở nắp máy ra, rút giấy ra là in được thôi à. 
  • Kẹt giấy là thế nào? Tui bảo đảm là không thể có chuyện đó xảy ra. Từ hồi mấy anh giao máy về tới giờ, tui đâu có hề bỏ tờ giấy nào vô đó mà kẹt được chứ hả? 
  • Cái gì? Chú nói sao? Chú không bỏ giấy vô? Không bỏ giấy vô thì làm sao in được chú ơi! 
  • Thế à? Không có giấy không in được à? Không có giấy không in được à?
Chuyện cuối cùng: Chuyện kể ở… đâu đó

Q, một kỹ thuật viên trẻ, kể:

Anh biết không, lúc đó đã 5 giờ chiều, tụi tôi sắp về rồi thì tôi lại nhận được điện thoại của khách hàng yêu cầu bảo hành. Tôi hẹn đến sáng mai thì khách hàng không chịu. Tôi kêu mang máy đến trung tâm bảo hành để tụi tôi kiểm tra thì khách hàng trả lời nửa như hát nửa như mếu: Anh ơi, em là con gái mà, làm sao biết gỡ máy ra, làm sao chở đi được?

Tôi hỏi tình hình máy thế nào để tôi hướng dẫn cách khắc phục thì cô ta chỉ có thể diễn tả: Em không biết ra sao cả, chỉ biết máy nó không chịu chạy thôi, nó đứng yên hà!

Cực chẳng đã, tôi đành xách đồ nghề lên đường đi sửa máy. Tới nơi, một cô gái xinh xắn bước ra đón tôi vào. Vội vã bật máy lên để kiểm tra, tôi rất ngạc nhiên khi thấy… máy hổng có bị làm sao cả. Tôi hỏi: Ủa, máy hư cái gì đâu em?

Anh hổng nhớ em sao? Bữa hôm giao máy, anh nói hễ có gì trục trặc thì gọi điện anh tới liền. Em chờ hoài mà máy nó hổng thèm hư, muốn gặp anh nên em giả bộ vậy thôi mà! Thôi, anh ngồi chơi nhe, em rót nước anh uống… Cô nàng nhoẻn miệng cười rất là dễ thương nói:

Nghe tới đây, tôi sốt ruột quá, hỏi Q: Rồi sao, sao nữa?

Q làm mặt nghiêm, nói: Suỵt, hỏi tới khúc sau ra sao nữa là anh hơi tò mò quá đó… Đâu phải chuyện máy tính đâu chứ!

Thế đấy, qua mấy câu chuyện trên các bạn thấy những người cung cấp máy tính đâu chỉ là khó ưa, khó chịu – họ cũng đáng thương, và… dễ thương lắm, phải không?
___
eChip số Xuân 2004 - 1/2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét