Vì sao Khổng Minh thổ huyết?


Thời Tam quốc, Trung Hoa chia làm ba nước: Ngụy, Thục, Ngô. Dù là ba nước, nhưng tất cả đều cùng chung tôn chỉ là phò nhà Hán. Vì thế, nên khi Hán đế cần củng cố triều đình bằng cách trang bị hệ thống mạng máy tính cục bộ thì Tào Tháo (nhà Ngụy) bèn mời Lưu Bị (nhà Thục) và Tôn Quyền (nhà Ngô) đến để lập dự án. Để khách quan công bằng, Thục và Ngô phải đấu thầu để chọn ra bên có uy tín phò Hán đế.

Phía Thục, Lưu Bị nhờ Khổng Minh Gia Cát Lượng lập dự án cho mình. Khổng Minh bấm đốt ngón tay - ủa lộn, bấm phím máy tính xách tay - suy tính rồi mỉm cười bảo Lưu Bị: Bẩm chúa công, thần liệu rằng phen này chúng ta thắng chắc bởi ba điều:

-          Thứ nhất, ưu tiên cho thương hiệu dòng dõi nhà Hán, chúa công đây là hoàng thúc, một sự bảo đảm hàng đầu cho thương hiệu.
-          Thứ hai: server và workstation của chúng ta lắp ráp bởi bá tánh đất Thục, công thiết kế và lắp đặt hệ thống mạng cũng do muôn dân, nên chắc chắn rằng chi phí sẽ rất thấp.
-          Thứ ba: binh tướng của ta là những người dày dạn kinh nghiệm trận mạc, một lòng tận trung báo quốc, nên chắc chắn rằng chất lượng kỹ thuật sẽ rất cao.


Đến ngày, Hán đế thiết triều và ủy nhiệm cho Tào Tháo nghị sự, xem xét để chọn dự án.

Tào Tháo đã xem xét 2 hồ sơ thầu, trước triều dõng dạc phán:

-          Yêu cầu thứ nhất, sản phẩm phải có thương hiệu nhà Hán. Lưu Bị kia cho rằng mình là hoàng thúc, dòng dõi Hán triều, nhưng chẳng có cái ISO nào chứng nhận cho cả. Ta chỉ biết xưa ngươi làm nghề bán dép, hừ, nếu ngươi bảo rằng có thương hiệu dép nổi tiếng ta còn chấp nhận chứ quyết không công nhận thương hiệu dòng dõi nhà Hán của ngươi. Tôn Quyền cũng thế, vì vậy, ở mục này đôi bên ngang nhau!
-          Yêu cầu thứ hai, giá cả. Giá của Ngô Tôn Quyền thấp hơn Thục Lưu Bị 0,1%. Xem như bằng nhau, nhưng nếu yêu cầu thứ ba đôi bên lại ngang nhau nữa thì sẽ xem xét lại tiêu chuẩn này và chọn Tôn Quyền.
-          Yêu cầu thứ ba, chất lượng. Hồ sơ của Lưu Bị ghi là bảo hành 3 năm, Tôn Quyền bảo hành 5 năm. Vậy, tiêu chuẩn này Tôn Quyền thắng.
-          Kết luận: Tôn Quyền được chọn để cung cấp hàng cho dự án. Kính xin hoàng thượng ban thánh chỉ.

Thánh chỉ đã ban, Tào Tháo quát hỏi:

-          Lưu Bị, ngươi có hết lòng phò nhà Hán, tuân theo thánh chỉ hay không?

Lưu Bị mồ hôi dầm dề như tắm, hổn hển:

-          Dạ muôn tâu, kẻ hèn này không dám kháng chỉ. Kẻ hèn này một lòng phò… phò… phò…
---

Khổng Minh trong lòng không an, quyết tâm gặp đô đốc Đông Ngô là Chu Du để hỏi cho ra lẽ.

-          Chu đô đốc, về chuyện thương hiệu tôi không thắc mắc, nhưng không hiểu sao Chu đô đốc có thể cho giá sát với giá của tôi và lại dám bảo hành đến 5 năm?
-          Gia Cát tiên sinh, về việc giá thì dễ quá, chính Tào Tháo cho tôi biết giá của tiên sinh chứ ai! Tôi không dại gì bỏ giá thấp hơn nhiều, chỉ cần thấp hơn một tí là đủ rồi, thưa tiên sinh. Còn hơn thế nữa tiên sinh ạ, sau khi ký hợp đồng rồi tôi sẽ tính bổ sung chi phí đi dây, lắp đặt mạng v.v… Nói chung là các công trình phụ, giá cỡ 80% công trình chính thôi. Nghĩa là thực sự giá của tôi gần gấp đôi giá của tiên sinh đấy. Tất cả đều đã được Tào Tháo đồng ý trước cả rồi, Hán đế không biết chi đâu. Còn về chuyện bảo hành 5 năm, chẳng lẽ tiên sinh không nhận ra đó chính là học từ mưu kế của Khổng Minh hay sao?
-          Của tôi à?
-          Chính thế. Xưa tiên sinh đã lừa chủ tôi mượn đất Kinh Châu, hứa rằng khi nào Lưu Kỳ qua đời thì sẽ trả lại. Thế mà đến khi Lưu thiếu chủ quy tiên, ông vẫn cù nhây lý lẽ đủ điều không chịu trả đất. Bây giờ cũng thế thôi, nói là bảo hành 5 năm, nhưng có 5 ngày máy hư tôi vẫn cù nhây lý lẽ để đòi tiền công sửa chữa, hoặc không xong thì cứ xù luôn chứ đời nào chịu bảo hành. Kiểu này thì có ghi trong hợp đồng là bảo hành 50 năm tôi cũng không ngán chứ đừng nói là 5 năm!

Nghe tới đây Khổng Minh ngửa mặt lên trời, than: Thiên sinh Lượng hà thiên sinh Du!, đoạn thổ ra một búng máu tươi, ngã lăn bất tỉnh.

Cũng từ đó trong giới IT, thay vì gọi là lập dự án hay làm dự án thì lại kêu là đánh dự án, nghe rất chi là chiến tranh tam quốc!
___
eChip số 27 - tháng 8/2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét