Ngoài những giá trị lịch sử của di tích, có một hiện tượng mà các nhà khoa học nát óc vẫn không lý giải nổi: Bên cạnh những kiến trúc còn sót lại, các hiện vật cổ, người ta còn tìm thấy vô số khối đá có hình dạng người rải rác khắp nơi trong khu vực đô thị cổ.
Đầu tiên, các nhà khảo cổ nhớ tới điển tích hòn vọng phu đã lưu truyền hàng ngàn năm trước. Đất nước ta trãi qua nhiều năm chinh chiến, biết bao người vợ mong ngóng chồng về đã ôm con hóa đá ở đầu non. Nghe kể rằng từ Bắc vào Nam có rất nhiều tượng đá vọng phu như vậy, và cũng nghe nói rằng vào cuối thiên niên kỷ trước có tượng đá đã bị người ta phá ra để… nấu đá vôi. Rất có thể, với tấm lòng trân trọng di sản, thành phố Hồ Chí Minh đã mang tất cả các tượng vọng phu ấy về để bảo vệ tượng thoát khỏi sự tàn phá của thiên nhiên và cả của con người.
Tuy nhiên giả thuyết này đã nhanh chóng bị bác bỏ, bởi vì các tượng đá vọng phu không thể nhiều như thế. Vả lại, chi tiết đáng chú ý là hầu hết các tượng đá đều có dáng đàn ông, một vài tượng giống như đang ôm con, nhưng cái mà tượng đang ôm không giống hình dạng của một đứa bé!
Hay là thời kỳ đó người ta xây dựng nhiều tượng đài danh nhân để tôn vinh công lao của họ đối với đô thị? Giả thuyết này cũng không đứng vững, vì tất cả các tượng đều không phải ở trong một dáng đứng hiên ngang, mà đều có vẻ mõi mòn mong ngóng một điều gì đó.
Các tranh cãi diễn ra mãi cho đến khi có một nhà sử học bỏ nhiều năm nghiên cứu tư liệu cổ, và đưa ra kết luận: Sự xuất hiện rất nhiều các tượng đá vọng… cái gì đó tại đô thị cổ chính là hậu quả của sự phát triển… công nghệ thông tin vào đầu thiên niên kỷ này!
Bằng những số liệu nghiên cứu của mình, nhà sử học cho biết:
Vào đầu thiên kỷ, công nghệ thông tin phát triển, nhà nhà mua máy vi tính, người người bán máy vi tính. Dân chuyên nghiệp buôn máy tính đã đành, dân không chuyên cũng tranh thủ buôn bán máy tính. Người ta đua nhau mua bán sang tay chứ không cần phải có một đội ngũ chuyên viên kỹ thuật.
Khi khách hàng đến mua máy đều được phục vụ tử tế, hứa hẹn dịch vụ hậu mãi cực kỳ tốt đẹp. Giá cả thì cực kỳ hấp dẫn, bởi vì các nơi cạnh tranh lẫn nhau, sẵn sàng hạ giá đến mức cực thấp.
Mà hồi đó máy tính dễ hư lắm. Khi máy hư, người ta phải mang đến bảo hành.
Với những nơi chỉ biết buôn bán thì không hề có đội ngũ chuyên viên để bảo hành, không hề có đội ngũ phục vụ, làm sao họ bảo hành? Với những nơi có đội ngũ kỹ thuật thì đã lỡ bán sát giá rồi, nếu phải bảo hành coi như lỗ vốn, làm sao an lòng được?
Thế nhưng nếu không nhận bảo hành thì sẽ bị khách hàng tẩy chay. Vì vậy tất cả đều chơi bài hứa.
Ngày hôm nay họ nhận máy và hẹn đến ngày mai. Ngày mai họ hẹn đến tuần sau. Tuần sau lại hẹn sang tháng tới. Cứ thế tháng ngày đằng đẵng trôi qua…
Khách hàng đã lỡ mua đành phải chờ. Tháng năm dằng dặc, mong đợi mõi mòn, họ hóa đá khi nào không hay biết…
Khi nghe phân tích này mọi người mới xem kỹ lại các tượng đá. Hóa ra một số tượng có ôm một khối vuông vuông, đó chính là cái mà 500 năm trước người ta gọi là máy vi tính. Các tượng khác nắm khư khư trong tay một mảnh giấy, đó chính là… phiếu bảo hành!
___
eChip số 68 - tháng 1/2004
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét