Bạn có biết 30 năm trước truyền
thông ở nước ta như thế nào không? Hãy nghe tôi kể câu chuyện này để hình dung
ra nhé.
---
Tôi còn nhớ, một buổi trưa đang ngủ ngon lành ở ký túc xá thì thầy chủ nhiệm chạy qua kiếm, hối mặc đồ vô lẹ lên (mặc đồ chớ không phải thay đồ, vì lúc đó trên người có độc cái quần xà lỏn) để vô văn phòng trường cho nhà báo phỏng vấn.
Tôi vác bộ mặt ngáy ngủ, leo lên xe đạp cho thầy chở qua trường.
À, phải chú thích một chút chứ không thì lại thiếu thông tin. Đó là vào khoảng năm 1980, tôi đang học cuối năm thứ 3 trường Đại học Bách khoa TPHCM, ở ký túc xá gần trường - số 268 Lý Thường Kiệt, Quận 10.
Ghi nhận thứ nhất: Phương tiện truyền thông của giáo viên đại học đến sinh viên là... đạp xe đạp từ văn phòng khoa đến ký túc xá.
Nhà báo phỏng vấn tôi là của báo Tiền Phong, từ Hà Nội vào. Cũng cần khoe một chút rằng năm ấy tôi là một trong ba sinh viên xuất sắc nhất trường - chắc là vì vậy nên nhà báo tới phỏng vấn để giới thiệu lên báo.
Thôi thì chẳng kể lại nội dung phỏng vấn làm gì (vì thật ra tôi cũng không nhớ), chỉ nhớ mang máng rằng buổi gặp chỉ cỡ 1 tiếng đồng hồ trở lại, có chụp khoảng 2 - 3 tấm hình gì đó.
---
Nếu tôi nhớ không lầm thì lúc ấy (1981) chưa có báo Thanh Niên, 2 tờ báo phổ biến ở Sài gòn là Tuổi Trẻ và Sài Gòn Giải phóng, Tiền Phong thì ít hơn một chút. Báo chí hồi đó là của hiếm (hiếm chớ không phải quý) chớ không tràn lan như bây giờ - internet hoặc blog thì lại càng không rồi. Sinh viên cỡ như tụi tôi có khi cả… năm trời không đọc báo (hoặc không có báo đọc).
Bởi vậy, sau bữa đó tôi quên luôn, cũng chẳng biết báo có đăng gì không nữa.
Ghi nhận thứ hai: Đọc báo bấy giờ là chuyện xa xỉ.
Ở quê nhà tôi nơi Long Khánh, một bữa nọ ba tôi đi hớt tóc. Vì đang có khách hớt nên ông phải ngồi chờ. Trong lúc chờ, ông đọc mấy tờ báo cũ trong tiệm hớt tóc. Thế rồi tự nhiên ông thấy trong đó có tên ai quen quen, giống thằng con của mình.
Hi hi, nếu ba tôi không đi hớt tóc lúc đó, hoặc đi hớt tóc mà không phải chờ thì chắc không thể biết được có bài báo Tiền Phong viết về tôi. (Tôi cũng cần nói thêm, ông thợ hớt tóc chính là chú ruột tôi, ông có tờ báo để ở bàn hớt tóc mà chả thèm đọc, bởi vì nói chung báo chí thời đó đọc… chán lắm!).
Ghi nhận thứ ba: Đọc báo chẳng những là chuyện xa xỉ mà còn là chuyện chán ngấy.
Khi ấy tôi vẫn chẳng hề biết chuyện đã xảy ra, vì tôi đang ở Sài Gòn. Ở nhà cũng chẳng thể báo tin cho tôi biết vì không có điện thoại (tôi xin nói rõ là không có điện thoại bàn - còn điện thoại di động thì chắc chắn là không rồi!), email thì … thậm chí còn chưa có trong chuyện khoa học viễn tưởng!
Vài tuần sau, tôi về thăm nhà mới được nghe kể.
Ghi nhận thứ tư: Đừng mơ tới email, điện thoại di động.Có điện thoại bàn đã là... quý tộc!
Thế là khi quay về Sài Gòn, tôi đi tìm mua tờ báo Tiền Phong cũ đó để coi người ta viết gì về mình. Tôi không biết chắc số báo ra ngày nào, nhưng ước lượng thì phải cỡ hơn một tháng trước.
Bạn thử tưởng tượng bây giờ cần kiếm một tờ báo cũ cách đây chừng một tuần cũng rất khó khăn, vậy mà tôi phải đi kiếm một tờ báo ra đã hơn một tháng. Thế mà còn đó bạn ạ! Công nhận báo hồi đó… bán ế dễ sợ! Tôi mua được 2 tờ.
Ghi nhận thứ năm: Không có khái niệm báo mới, tin nóng hổi. Báo cũ vài tháng vẫn mua được là chuyện bình thường.
À, bây giờ khi có tờ báo trong tay tôi mới có thể kể cho bạn nghe nội dung của bài báo. Đó là một bài dài chiếm hẳn một trang của báo Tiền Phong, giới thiệu 2 sinh viên tiêu biểu của Đại học Bách khoa TPHCM, là tôi và 1 đàn anh học trước một khóa là anh Nguyễn Trần Luật (tôi không biết giờ này anh Luật làm gì, ở đâu - nếu anh có đọc được bài này thì ta liên lạc với nhau cho vui nhé). Cả trang báo dài có 1 cái hình nhỏ xíu cỡ 4x6, là hình anh Luật chớ không phải tôi (mặc dù phần viết về tôi nằm trước phần viết về anh). Chắc tại ông nhà báo chụp hình bị hư, hoặc hình tôi xấu quá không đưa lên báo được. Bù lại, ông nhà báo dùng lời để tả chân dung tôi, hì hì, tới giờ tôi vẫn nhớ nguyên văn câu tả như sau: "Vóc dáng nhỏ gầy và nụ cười hiền lành, vầng trán rộng và cặp mắt lấp lánh thông minh" (không có chữ nào nói… đẹp trai hết!).
Ngoài ra bài báo có kể về một vài công trình nghiên cứu, giới thiệu thành tích học tập… Đặc biệt là sau khi giới thiệu quê quán tôi ở Long Khánh, Đồng Nai, đến đoạn cuối tác giả bài báo chế ra một đoạn rất "kinh điển" như sau: Tôi bày tỏ ước mong khi tốt nghiệp kỹ sư được về lại quê nhà, đem công nghiệp về làng quê để phục vụ… cơ giới hóa nông nghiệp! Mặc dù trước đó trong lúc phỏng vấn tôi không hề nói tí gì về ý tưởng đó, mà nói rõ ràng (trước mặt thầy tôi) là tôi mong ước được ở lại trường để tiếp tục nghiên cứu!
Ghi nhận thứ sáu: Báo có “khuôn mẫu” sẵn để đăng, đâu cần biết người được phỏng vấn trả lời những gì!
2 tờ báo mua được, 1 tờ tôi mang tặng một người rất đặc biệt đối với tôi, tờ còn lại tôi giữ làm kỷ niệm (nói gì đi nữa, được lên báo cũng thấy sướng, phải không các bạn?).
Trong ký túc xá, không gian của mỗi thằng sinh viên chỉ là cái giường, vì vậy tôi trân trọng nhét tờ báo ở dưới chiếu, ngay đầu nằm của mình.
Một ngày, đi học về, giở chiếu lên, tôi hoảng hồn khi thấy tờ báo bị xé mất, đúng ngay trang có đăng bài về tôi.
Tôi nhanh chóng tìm ra thủ phạm, đó là K., bạn cùng phòng. Tôi hỏi nó:
- Sao mày xé báo của tao?
- Hồi sáng tao đau bụng, mắc cầu quá. Tao thấy báo cũ nên xé một miếng đi cầu rồi. Mầy làm gì dữ vậy?
_____________
Các bạn thân mến, vì
lý do này cho nên bây giờ tôi không còn tờ báo kỷ niệm đó nữa.
Giờ đây, nhiều bạn bè tôi là những người làm báo, có thể nhiều người trong số các bạn ấy không hình dung ra ngày xưa truyền thông nó như thế nào. Hôm nay kể lại để nhắc đến kỷ niệm đầu tiên của tôi đối với báo chí, cũng để nhớ lại tình hình báo chí và truyền thông cách đây 30 năm, nó khác bây giờ xa quá, các bạn trẻ làm PR, làm báo bây giờ chắc khó mà tưởng tượng ra nhỉ?
PHẠM HOÀI NHÂN
eChip tháng 6/2012 - Chuyên đề Ngày Nhà báo Việt Nam
eChip tháng 6/2012 - Chuyên đề Ngày Nhà báo Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét