Kinh doanh gì?

Trong điều kiện kinh tế khó khăn chung như hiện nay, một tổ chức quốc tế đã khuyến cáo là đối với những đất nước đang phát triển như Việt Nam nên hướng đầu tư vào 2 mảng chính: Y tế và Giáo dục.

Hai Ẩu ngồi bàn với Ba Trợn về gợi ý này. Ba Trợn nói:
  • Khuyến cáo này nghe có vẻ hợp lý. Nếu nói ở góc độ vĩ mô thì là nhà nước đầu tư, còn ở góc độ vi mô thì là doanh nghiệp bọn mình kinh doanh. Kinh doanh giáo dục không lo ế, kinh doanh y tế cũng vậy. Vậy bây giờ mình mở trường tư để thu tiền học sinh, mở bệnh viện tư để chữa bệnh hay đi buôn thiết bị y tế, dược phẩm?
Hai Ẩu lắc đầu, không đồng ý:
  • Có thể gợi ý trên đúng với quốc gia nào đó, nhưng với Việt Nam thì theo anh đó lại là 2 mảng khác chú em ạ. Hai mảng đó là kinh doanh danhkinh doanh tâm linh.

Về kinh doanh danh, dân ta rất khoái danh hiệu, nên cứ cái gì có liên quan đến bầu chọn – bình chọn danh hiệu, tôn vinh là nô nức tham gia ngay. Làng xã có bình chọn cấp làng xã, trường đại học có danh xưng hoa khôi của trường, quốc gia có bình chọn cấp quốc gia. Thậm chí quốc tế có cấp quốc tế, lúc ấy cả nước cỗ vũ để mọi người bình chọn cái thắng cảnh của nước ta cho nó lọt vô... danh sách quốc tế. Nếu chả thấy mình có danh hiệu gì, thì tự chế một cái kỷ lục gì đó để tự phong, như: ở dơ nhất, ngủ nhiều nhất, v.v... Cứ làm cái gì đó để gọi là tôn vinh ai đó thì bao nhiêu tiền người ta cũng trả, chú em ạ.

Còn kinh doanh tâm linh, anh kể chú em nghe chuyện này: Hôm nọ anh có đi in một số CD phần mềm nhưng chỗ gia công họ không nhận in vì đã kín lịch sản xuất rồi. Anh hỏi họ rằng in chi mà nhiều vậy? Nhạc, phim hay software? Họ trả lời rằng không phải nhạc, phim, cũng không phải software, mà là... kinh Phật, những bài giảng kinh của các nhà sư nổi tiếng. Không phải vài ngàn bản như software hay vài chục ngàn bản như CD ca nhạc mà là hàng trăm ngàn bản, chú em ạ. Những CD này được nhà chùa phát không cho phật tử đến chùa.

Tại hội sách TPHCM vừa qua, ngoài các gian hàng sách văn học, sách khoa học kỹ thuật... còn có những gian hàng văn hóa phẩm Phật giáo, người ghé thăm đông nườm nượp.

Giữa thời buổi khó khăn, cuộc sống bất ổn, thì người ta tìm chốn bình yên nơi tôn giáo, tín ngưỡng là điều hợp lý. Những cơ sở tôn giáo phục vụ nhu cầu tâm linh của con người rất đáng trân trọng, ta không được phép gọi họ là kinh doanh tâm linh. Tuy nhiên, những cơ sở kinh doanh dựa trên nhu cầu rất lớn này thì có lẽ nên gọi đúng tên là kinh doanh tâm linh. Bản thân việc kinh doanh đâu có gì gọi là xấu phải không chú em?

Ba Trợn dè dặt góp ý với Hai Ẩu:
  • Em thấy cái vụ kinh doanh tâm linh này hơi bị hay à nha. Em sẽ in sách tử vi bói toán, viết phần mềm bói toán bán qua mạng. Anh Hai thấy được hông?
______
Hai Ẩu
eChip - tháng 5/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét