Câu đố của Nhân sư
Trong thần thoại Hy Lạp, nhân sư là một linh vật đầu người mình sư tử. Truyền thuyết kể rằng nhân sư đứng trấn ở thành Thèbes của Hy Lạp, nơi nó sẽ hỏi mọi người đi qua câu đố nổi tiếng: “Sinh vật nào buổi sáng đi bằng bốn chân, buổi trưa đi hai chân và buổi chiều đi ba chân”. Nhân sư bóp cổ ăn thịt những người không thể trả lời. Oedipus đã giải được với câu trả lời như sau: Con người — bò bằng hai tay hai chân khi là trẻ con, sau đó đi trên hai chân khi trưởng thành, và chống gậy đi khi đã già.
Cách đây hơn 10 năm, nhân sư lại xuất hiện ở cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, nó hỏi người ta một câu đố. Ai trả lời được mới cho vào thành phố, ai trả lời sai thì đuổi đi, hoặc... ăn thịt luôn! Câu đố đó như sau:
Điều gì, dịch vụ gì mà chúng ta tự nguyện dùng và phải trả tiền càng nhiều nếu nó phục vụ ta càng tệ?
Vì điều này quá ngược đời nên chẳng ai trả lời được. Thông thường dịch vụ nào tốt thì ta sử dụng, dịch vụ nào kém thì ta không thèm xài. Còn nếu đã dùng dịch vụ nào đó thì rõ ràng là nếu nó càng tốt, đáp ứng càng cao nhu cầu của ta thì ta mới phải trả nhiều tiền hơn. Có đâu chuyện phục vụ càng kém càng phải trả nhiều tiền, mà lại tự nguyện sử dụng nữa chứ?
Vì không ai giải được câu đố, nên nhân sư cứ án ngữ ở cửa
ngõ thành phố, không ai vào được. Cho đến một hôm, có một chàng chuyên viên IT
dáng vẻ bực bội đến đó. Nhân sư chặn chàng lại và đố:
Điều gì, dịch vụ gì mà chúng ta tự nguyện dùng và phải trả tiền càng nhiều nếu nó phục vụ ta càng tệ?
Đang bực, lại bị chặn đường, chàng ta gắt gỏng hét lên:
Vậy mà cũng hỏi! Đó chính là dịch vụ Internet Dial-up!
Nghe đến đây, nhân sư đập đầu xuống đất rồi biến mất. Chàng chuyên viên IT đã đáp đúng. Cửa thành lại được thông thương...
Lời giải thích của hậu thế:
Với nhiều bạn trẻ, có thể thuật ngữ Internet Dial-up lạ
hoắc, vì vậy xin được giải thích thêm. Internet Dial-up hay Internet gián tiếp
là phương thức truy cập Internet bằng cách quay số giữa máy tính có kết nối
modem qua đường dây điện thoại cố định. Cách đây trên 10 năm, khi Internet mới
bắt đầu vào Việt Nam, đây là phương thức truy cập Internet đơn giản và phổ biến
nhất (chỉ cần có máy tính, có modem và có điện thoại cố định). Tốc độ kết nối
của Internet Dial-up chỉ có thể đạt tối đa là 56 Kbps.
Điều đáng nói là chi phí cho dịch vụ Internet Dial-Up này được tính theo thời gian kết nối. Thời gian kết nối càng lâu thì càng tốn nhiều tiền.
Như trên đã nói, tốc độ kết nối tối đa là 56 Kbps, tùy chất lượng modem và đường truyền, nhưng đường truyền hầu như chả bao giờ đạt được tốc độ ấy cả, mà cứ chậm rì rì... Chậm nghĩa là chất lượng kém, càng chậm thì thời gian phải kết nối càng dài, và hậu quả là phải trả tiền càng nhiều! Đó chính là bi kịch phải trả tiền càng nhiều nếu nó phục vụ ta càng tệ. Bi kịch nhưng phải chịu đựng, vì không xài thì biết xài cái gì bây giờ?
Nhớ thuở ấy mỗi lần check mail đều cầu trời khấn phật sao cho đừng có cái mail nào dài, vì càng dài thì kết nối càng lâu, càng tốn tiền. Nếu gặp một đống spam mail thì coi như đời tàn trong ngõ hẽm, phải trả tiền cước kết nối để nhận một đống rác rưởi.
Không phải tại tôi
Câu chuyện cổ tích dưới đây cũng xảy ra cách đây khoảng 10 năm. Nhân vật trong chuyện là một lập trình viên. Lời tự sự của anh ta như sau:
Người ta bảo rằng: Ba người Đức mới bằng một người Do Thái, ba người Do Thái bằng một người Nhật, ba người Nhật bằng một người Việt Nam, và ba người Việt Nam thì… bằng một mình tôi! Tôi là một lập trình viên tài năng.
Sinh bất phùng thời, những công trình phần mềm của tôi không được mọi người đánh giá một cách nghiêm túc. Thời buổi nhiểu nhương, những vị giám đốc không được đào tạo bài bản về tin học đã không có đủ khả năng để đánh giá chính xác giá trị phần mềm do tôi tạo nên, nên... không thèm xài. Không phải tại tôi!
Anh bảo tôi làm phần mềm đóng gói để bán đại trà à? Anh có điên không? Nạn sao chép lậu tràn lan đấy, làm sao bán được! Ý thức của xã hội trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ quá thấp nên không phát huy được năng lực của giới lập trình. Không phải tại tôi!
Giữa một môi trường làm việc "ô nhiễm" như vậy tôi không bỏ cuộc, tôi tìm một môi trường khác "trong sáng" hơn, đó chính là tạo sản phẩm phần mềm để cung cấp cho nước ngoài. Nơi đó người ta đánh giá chính xác thành quả trí tuệ hơn, nơi đó người ta tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ một cách tuyệt đối.
Qua bao thăng trầm dâu bể, đến một ngày có một công ty nước ngoài đặt hàng cho tôi. Tôi đã làm ra sản phẩm bán cho nước ngoài, làm rạng danh đất nước. Nhưng chỉ một lần mà thôi. Không ai đặt hàng nữa cả! Họ bảo làm không đúng tiến độ thời gian theo kế hoạch, họ bảo không đáp ứng đúng yêu cầu. Tại ai à? Không, không phải tại tôi. Thế thì tại ai à? Để xem nào, tại… tại… À, phải rồi, tại đường truyền Internet của ta quá chậm, quá tệ!
Vì chuyện xảy ra đã 10 năm, ta không biết thật sự anh chàng
lập trình viên kia có tài không hay chỉ giỏi đổ thừa. Tuy nhiên, qua lời tự sự
của anh, ta rút ra mấy điều:
Ở thời ấy, dù mới du nhập vào nước ta nhưng Internet đã sớm chứng tỏ là một nhu cầu to lớn, một công cụ đắc lực cho giới IT. Quan trọng là vậy, nhưng phương tiện để đến với Internet (là Dial-up) còn quá kém khiến cho mọi người phải bực mình. Bực mình nhưng vẫn phải xài, và một số người bất tài có cớ để đổ thừa!
Tiếng còi trong sương đêm
Có một điều cần nhắc về Internet Dial-up nữa, đó là tiếng kêu của nó lúc kết nối. Nó kêu rất to: Tịch te te te te... Tịch te te te te...
Không phải kết nối là được ngay, mà có khi đến vài phút. Đang lúc cần gấp check mail mà cứ nghe Tịch te te te te... Tịch te te te te... thì lòng đầy khắc khoải, không biết đến bao giờ kết nối được tình duyên. Còn nếu giữa đêm trường thanh vắng mà nghe tiếng tịch te te ấy sẽ như nghe tiếng còi trong sương đêm. Tiếng còi trong sương đêm theo gió đưa ôi buồn, nghe vi vu oán than...
Nếu máy tính và modem sử dụng tại nhà, bạn là cha mẹ thì mỗi khi nghe tiếng còi trong sương đêm ấy vang lên thì trong lòng bạn sẽ bao nỗi xốn xang. Con ơi, lòng mẹ ủ ê... bởi vì mỗi lần nghe tiếng Tịch te te te te... là mẹ biết con đang kết nối Internet Dial-up, và mẹ phải tốn tiền!
Thôi toán quân đi rồi
Tiếng còi trong sương đêm của Internet Dial-up chỉ phát triển mạnh vài năm, cho đến khi có sự ra đời của Internet băng thông rộng tốc độ cao (ADSL). Giữa việc di chuyển bằng xe đạp, ồn ào, chi phí cao (Dial-up) với việc di chuyển bằng xe hơi, êm ái, chi phí thấp (ADSL), người ta chẳng ngần ngừ bao nhiêu thời gian và sẵn sàng đầu tư chút ít tiền để chuyển sang phương tiện mới.
Người sử dụng không còn nữa, các nhà cung cấp dịch vụ Internet Dial-up dần dần ngưng cung cấp dịch vụ này. Rút dần, rút dần cho đến ngày chỉ còn một nhà cung cấp duy nhất: VNPT, với các dịch vụ VNN 1260, VNN 1268, VNN 1269.
Dù dịch vụ vẫn còn đó nhưng hầu như không ai còn sử dụng, thậm chí đối với các bạn trẻ còn không biết VNN 126x là gì, nghe qua cứ tròn mắt ngó như đang nghe... mật mã Da Vinci!
Rồi việc phải đến cũng đã đến. VNPT đã quyết định khai tử
dịch vụ Internet Dial-up từ ngày 15/7/2012.
Giã biệt tiếng còi trong sương đêm, giã biệt một thuở ban đầu Internet...
Thôi toán quân đi rồi. Thôi toán quân đi rồi. Hơ hờ hơ hớ hơ... hơ hớ hơ... đi rồi...
Hai Ẩu
Bài đăng trên eChip số 338 ngày 6/7/12
Kỷ niệm ngày 15/7/12: ngày khai tử Dial-up Connection
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét