Nghe đâu có một tay tên Thomas Friedman viết ra một cuốn sách bán chạy như tôm tươi có tựa đề như vậy. Thế là mọi người già trẻ lớn bé, nam phụ lão ấu, sang hèn đều reo lên: Thế giới phẳng, và trong mọi câu chuyện của mình đều chêm vô cụm từ Thế giới phẳng để chứng tỏ ta đây là người uyên bác.
Hai Ẩu cũng thế, mặc dù… chưa kịp đọc sách của Friedman để hiểu ổng nói Thế giới phẳng nghĩa là sao. Lười đọc sách, Hai Ẩu lân la tìm cách trò chuyện với mọi người để nhờ họ giải thích dùm mình khái niệm ấy.
Gặp một nhóm bạn trẻ tuổi teen đang ngồi trong quán cafe wifi, mỗi bạn ôm kè kè một cái laptop đời mới, Hai Ẩu nghe loáng thoáng trong câu chuyện rôm rả của họ có từ thế giới phẳng. Hai Ẩu hí hửng gợi chuyện: Thế giới phẳng là sao hả các bạn?
Cả bọn tròn mắt nhìn Hai Ẩu như nhìn một… con lạc đà vừa từ sa mạc Sahara tới: Hổng lẽ chú chẳng biết là bi giờ thế giới phẳng sao?
Hơi bị quê, Hai Ẩu đi tìm một anh bạn doanh nhân để gợi chuyện. Anh vừa trả lời qua điện thoại di động xong cho một phi vụ kinh doanh nào đó. Mặt anh có vẻ trầm tư, lo lắng, anh buộc miệng nói: Đúng là thời buổi thế giới phẳng!
Hai Ẩu mừng quá, hỏi: Thế giới phẳng là sao?
- Là… thế giới phẳng chớ còn sao nữa!
Hai Ẩu lại gặp một quan chức chính quyền, rụt rè gợi chuyện: Thưa anh, tình hình thế giới hiện nay thế nào ạ?
Giương cặp mắt đạo mạo nhìn Hai Ẩu, gõ gõ mấy ngón tay lên mặt bàn giấy, vị quan chức khả kính nói: Thế giới hiện nay… phẳng!
Hai Ẩu không dám hỏi ngài quan chức rằng tại sao thế giới phẳng, phẳng như thế nào, bèn lẳng lặng chuồn đi.
Mấy ngày Tết, Hai Ẩu mang nỗi ám ảnh về thế giới phẳng này vào trong giấc ngủ. Trong mơ, một ông già râu tóc bạc phơ hiện ra, ông cười hì hì giới thiệu:
- Ta là Lang Liêu, hoàng tử thời vua Hùng Vương thứ 6 đây chú em ạ. Chú em làm gì mà vừa ngủ vừa lảm nhảm thế giới phẳng vậy?
- Dạ, thú thiệt là ở thế kỷ 21 này có một khái niệm mới là thế giới phẳng, ai cũng hiểu chỉ mình con không hiểu nên con thấy quê quá ạ!
- Hứ! Ai nói chú em là thế kỷ 21 này mới có khái niệm thế giới phẳng? Chú em biết chuyện Bánh giầy bánh chưng từ thời bố ta là Hùng Vương thứ 6 chứ?
- Dạ biết. Hồi đó, nhân dịp đầu Xuân, vua họp các hoàng tử lại, bảo rằng: "Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho". Lang Liêu là hoàng tử thứ 18, dâng lên món quà có ý nghĩa nhất là bánh giầy bánh chưng tượng trưng cho Trời và Đất.
- Hà hà, chú em cũng thuộc sử lắm. Bánh giầy hình tròn tượng trưng cho Trời, bánh chưng hình vuông tượng trưng cho Đất. Vậy chẳng phải 4.000 năm trước ta đã biết là thế giới phẳng hay sao?
Hai Ẩu ngạc nhiên quá: Đúng rồi, bánh chưng hình vuông tượng trưng cho Đất, vậy là trái đất phẳng, tức là thế giới phẳng.
Lang Liêu cười hềnh hệch: Chứ sao nữa! Thế giới phẳng như cái bánh chưng, chứ chẳng lẽ tròn tròn, dài dài như đòn bánh tét!
Thế rồi Lang Liêu biến đi, còn Hai Ẩu thì thức dậy. Hết Tết, cũng là lúc Siêu thị số phải ra số tân niên, nên Hai Ẩu kể lại chuyện này hầu các bạn.
_________________
Siêu thị Số - số 49, tháng 3/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét