Con vụ xoay tít mù


Công ty X tung ra một đợt khuyến mãi hấp dẫn: Bán laptop trả góp cho sinh viên với giá rẻ - 10 triệu đồng một bộ máy, lãi suất ưu đãi.

Quả là một sáng kiến khuyến mãi hấp dẫn và đầy công phu.

Sáng kiến hấp dẫn vì nó kích cầu. Hạ giá bán thì lỗ (nói vậy chứ lời ít thôi, không lỗ đâu, nghe nói giá vốn là 9 triệu 8), mà chưa chắc sinh viên có tiền mua. Còn tạo điều kiện trả góp thì sinh viên có thể mua ngay, dù chưa có đủ tiền. Như vậy là đưa sản phẩm đến người cần dùng, và mở rộng thị trường.

Công phu vì để làm được chuyện này công ty X phải liên hệ chặt chẽ với ngân hàng, để ngân hàng chấp nhận cho vay tín chấp (vì sinh viên nghèo xác nghèo xơ, có cái quái gì mà thế chấp chứ!), phải liên hệ chặt chẽ với các trường để họ làm thủ tục bảo lãnh cho sinh viên và quan trọng hơn nữa là quan hệ với nhà sản xuất để họ chấp nhận chi kinh phí marketing của mình để bù đắp phần lãi suất ưu đãi của ngân hàng.


Sáng kiến có hiệu quả tức thì, lượng máy bán ra tăng vèo vèo. Giám đốc công ty X vê râu cười khoái trá.

Thế nhưng sau vài ngày lượng máy bán ra chựng hẳn lại. Tệ hại hơn nữa, số máy laptop bán ra không thuộc chương trình khuyến mãi gần như không bán được.

Điều gì đã xảy ra?

Trên mạng và ở các nơi ai đó đang rao bán laptop với giá rẻ. Cái laptop ấy cùng hiệu, cùng model, cùng cấu hình như laptop mà công ty X đang khuyến mãi, nhưng được chào bán với giá.. 9 triệu rưỡi, rẻ hơn giá khuyến mãi, thậm chí rẻ hơn cả giá vốn! Rẻ vậy thì còn ai mua máy của công ty X nữa?

Tại sao điều đó có thể xảy ra?

Công ty X quyết định mua thử vài cái máy ấy để khám phá xem tại sao. Ngạc nhiên chưa, đó chính là máy có xuất xứ từ công ty X, tem bảo hành của công ty còn dán sờ sờ trên đó!
Tại sao ai đó lại có thể mua máy của công ty X mà lại bán rẻ hơn cả giá vốn của công ty X?

Để trả lời câu hỏi trên, ta hãy phỏng vấn một sinh viên đã mua máy trong chương trình khuyến mãi:
  • Máy xài tốt không em?
  • Hì hì, hổng biết, em bán rồi.
  • Sao lại bán? Em không cần dùng laptop à? Không cần dùng sao lại mua?
  • Cần chớ, nhưng cần laptop thì ít mà cần… tiền thì nhiều hơn. Vay tiền thì hổng ai cho, nhưng cho mua laptop trả góp thì được. Vì vậy em mua laptop, và… biến nó thành tiền.
  • Vậy sao? Em bán bao nhiêu tiền?
  • 9 triệu 2!
  • Trời, mua 10 triệu mà bán 9 triệu 2, lỗ 800 ngàn đồng. Chả lẽ em lên đại học rồi mà không biết làm toán?
  • Thì coi như em đi vay nặng lãi chút vậy mà, làm vậy mới có tiền tiêu chứ!
Vậy là rõ, người mua lại laptop đó mang đi bán với giá 9 triệu rưỡi, lời 300 ngàn đồng. Họ không tốn chi phí tiếp thị, công phu liên hệ với những đơn vị liên quan mà lời còn nhiều hơn công ty X.

Tóm lại, công ty X mua hàng từ nhà sản xuất – bán cho sinh viên – sinh viên bán lại cho con buôn – con buôn bán lại cho… công ty X. Không biết với cái laptop mua lại đó công ty X có đưa trở vô chương trình khuyến mãi để tiếp tục bán hay không, các bạn chờ tôi hỏi lại cấp có thẩm quyền của công ty X xem sao nhé!
_______________
Siêu thị Số - số 38, tháng 9/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét