Nhà báo nói láo ăn tiền


Hic, trong ngày Nhà Báo mà đặt cái tít như thế đúng là bất lịch sự! Thế nhưng mong rằng các bạn nhà báo dẹp bớt chút tự ái để nghe Hai Ẩu... nói láo nhé.

Thời buổi này, ngoài những nhà báo chính quy, còn có vô số những nhà báo quần chúng khác. Đó là những người hàng ngày, hàng giờ đưa thông tin lên mạng bằng nhiều hình thức: mạng xã hội, blog, diễn đàn, website riêng... Thông tin bạn đưa lên phương tiện truyền thông, có độc giả, và tạo được hiệu ứng xã hội nhất định, vậy thì ở góc độ nào đó bạn chính là nhà báo chớ còn gì nữa! Nhà nhà làm báo, người người là nhà báo!


Công bằng mà nói, ngoài những thiên chức đáng quý của nhà báo như phổ biến thông tin, định hướng dư luận,.. nhà báo còn có một cái option xấu xí là nói láo ăn tiền (nếu không có thì sao dân gian lại đặt ra câu Nhà báo nói láo ăn tiền?)


Các nhà báo quần chúng nói trên phần nào đó cũng làm chức năng của nhà báo chính quy, mặt khác họ cũng không chừa cái option xấu xí là Nhà báo nói láo ăn tiền. Trong lĩnh vực này, họ còn làm “hiệu quả” hơn các nhà báo thứ thiệt gấp nhiều lần. Vì một lý do đơn giản: nhà báo chính quy bị kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý, còn các nhà báo quần chúng này không bị ràng buộc gì ráo trọi!


Còn nhớ hồi năm ngoái, cộng đồng mạng xôn xao vì clip quay cảnh một cô gái tắm truồng ở ngay hồ Gươm trong đêm Đại lễ Ngàn năm Thăng Long. Mọi người bình phẩm ỳ xèo, báo chính quy cũng vào cuộc lên giọng phê phán đủ điều. Rồi sau đó mới phát hiện ra clip đó là bịa, chả có cô gái nào tắm trần tắm truồng ở Hô Gươm cả. Kẻ đùa dai nào đó phát tán clip đó lên mạng ắt đã ôm bụng cười ngặt nghẽo vì đã lừa được hàng triệu người!


Gần đây, một vài người dùng kỹ xảo Photoshop lột truồng ảnh một số người mẫu, post lên mạng và lu loa lên rằng cô nàng ấy cố tình chụp ảnh nude để show hàng. Dân tình trên mạng (thiệt tình mà nói, cũng khoái coi hình cởi truồng) bèn ngắm nghía rồi cũng lao nhao lên tiếng chê bai, bình phẩm. Thế nhưng, coi dzậy mà hổng phải dzậy!


Nhẹ nhàng hơn, ai đó bỗng nổi hứng bèn xướng lên một topic (chủ đề) là Trịnh Công Sơn đạo nhạc. Những lập luận hết sức bâng quơ, thế nhưng cũng tạo nên một cuộc tranh luận hết sức lãng xẹt, tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo giấy và cả báo mạng.


Những thí dụ như vậy còn rất nhiều. Khổ nỗi, cư dân mạng vốn rất năng động và có thể nói mỗi người chính là một nhà báo, gặp những chuyện dzui – lạ như vậy thì khoái chí vô cùng, Thế là mỗi người một tay, góp phần làm cho thông tin lan tỏa nhanh hơn cả... bịnh dịch. Hăng hái thì góp phần vô vài câu bình luận, uể oải thì cũng đưa đường link đến mọi nơi, hoặc post lên trang web của chính mình.


Gọi là nói láo ăn tiền thì không chính xác lắm. Hầu hết các thông tin vẩn vơ kiểu như thế nhằm những mục đích như: đùa dai, tạo sự chú ý (câu view), nêu quan điểm cá nhân... Thủ phạm tạo nên sự lan tỏa thông tin lại chính là cộng đồng mạng dễ tính, ham dzui.


Tóm lại:

  • Trong thời buổi công nghệ thông tin, mỗi cư dân mạng đều là nhà báo.

  • Nhà báo thứ thiệt có khi nói láo. Nhà báo quần chúng lại càng nói láo nhiều hơn nữa.

  • Vậy nên khi đọc tin của cư dân mạng chúng ta nên bình tâm suy xét.

  • Vậy nên khi viết tin lên mạng chúng ta nên suy xét bình tâm.

***
Mừng Ngày Nhà Báo!


Chúc mừng chúng ta, vì mỗi chúng ta đều là nhà báo!

Quyết hạn chế nói láo!


(Hạn chế thôi, chứ không thể quyết không nói láo, vì nếu như thế thì... Hai Ẩu thất nghiệp làm sao?)
____
eChip 288 (17/6/11)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét