Ăn khế trả vàng


Ngày xưa có hai anh em nhà kia, cha mẹ để lại một sự nghiệp IT kha khá. Người Anh vốn máu mê kinh doanh và cũng có khiếu làm quản lý, nên ôm trọn một cửa hàng buôn bán máy tính lớn. Người Em thì hổng có gì hết, ngày ngày đi lập trình, thiết kế website, làm thuê để kiếm cơm.

Thuở kinh tế phát đạt, Người Anh làm ăn lên như diều gặp gió, bán desktop PC rồi laptop, bán cả hệ thống máy tính cho các dự án lớn của nhà nước, bán laptop cho người dân cũng như cơ quan.


Người Em không đến nỗi nghèo đói, nhưng chỉ túc tắc qua ngày, không giàu như anh mình. Thêm nữa, anh ta vốn tính nghệ sĩ, làm đủ ăn thì thôi, không cần kiếm tiền nhiều quá. Thời gian rãnh rỗi, anh ta lập ra một website cho riêng mình, lấy tên là Web Cây Khế, trên đó anh ta viết đủ thứ linh tinh mà mình nghiên cứu được, cũng như những nhận định, suy nghĩ về các loại sản phẩm, dịch vụ, lối sống... Có người đọc web của mình và góp ý trao đổi là anh ta thấy vui.

Vì Người Em viết web với cả tấm lòng mình, những nhận xét của anh rất khách quan và sâu sắc, lại thêm phong cách dí dỏm, lôi cuốn nên thu hút ngày càng đông người đọc. Mỗi khi thử nghiệm một sản phẩm IT mới nào là Người Em lại viết bài nhận xét đưa lên web của mình. Anh lại kể những chuyện vui buồn, những tình huống ngộ nghĩnh khi sử dụng sản phẩm ấy. Web Cây Khế nhà anh vì thế luôn đông vui, người người bình luận rôm rả về những chủ để anh đưa ra.


Trong số những người đọc ấy có các đại gia như Phượng Hoàng, Chim Ưng, Diều Hâu... và những khách hàng của họ. Các đại gia ấy nghiệm thấy rằng hễ Người Em ngẫu nhiên giới thiệu trúng sản phẩm nào của mình lên Cây Khế là sản phẩm ấy tăng doanh số bán ngay, ép-phê hơn hẳn quảng cáo trên báo hay trên ti-vi.


Một hôm, Phượng Hoàng đề nghị với Người Em đưa logo và đường link của Phượng Hoàng lên Cây Khế. Người Em không chịu, nói: Như thế thì nát Cây Khế của tôi còn gì? Phượng Hoàng hát lên: Ăn khế trả vàng. May túi ba gang. Mang theo mà đựng. Phượng Hoàng nói: đưa logo và đường link lên Cây Khế ta sẽ trả tiền quảng cáo cho anh, ta không buộc anh phải nói tốt cho sản phẩm của ta, tốt anh cứ khen, xấu anh cứ chê. Như vậy được chứ?


Người Em thấy làm vậy không ảnh hưởng đến sự độc lập tự do của mình, lại có tiền nên vui vẻ nhận lời.


Theo chân Phượng Hoàng, Diều Hâu, Chim Ưng cũng đặt vấn đề như vậy. Thế là Người Em tiền vô ào ào.

Còn Người Anh? Thời buổi kinh tế khó khăn, sức mua máy tính giảm hẳn, cửa hàng máy tính suy sụp. Anh nhập laptop vào thì chưa kịp bán máy đã giảm giá, càng bán càng lỗ. Nhà nước ra quy định tiết giảm chi tiêu ngân sách, các dự án trang bị máy tính eo hẹp hẳn đi. Các công ty tranh giành lẫn nhau, hạ giá bán xuống, chẳng còn lãi – đã vậy, có khi tốn tiền ngoại giao để bôi trơn dự án, đến cuối cùng thì thằng khác trúng thầu, mình mất cả chì lẫn chài. Tiền thuê mặt bằng thì ngày càng cao, chịu không nổi!


Người Anh sang thăm Người Em, thấy em mình ngồi tà tà, chả tốn tiền thuê mặt bằng, chả phải ứng vốn mua hàng (trả lãi vay ngân hàng thấy bà cố), chả lo hàng giảm giá.... mà tiền vẫn vô đều đều thì cay đắng lắm.


Chuyện cổ tích ngày xưa kể rằng Người Anh lấy Cây Khế của em, chờ lũ chim bay đến ăn khế và hát Ăn khế trả vàng thì leo lên lưng chim, may theo cái bao bố tổ chảng (thay vì túi ba gang) để hốt vàng, để rồi rớt xuống biển chết đuối vì vàng quá nặng. Chuyện thời nay không phải như vậy (vì vàng giờ đến gần 5 triệu một chỉ, lấy đâu ra nhiều thế để mà hốt chứ!).


Người Anh ăn cắp ý tưởng Người Em, làm ra trang web Cây Khế Bự để thu hút quảng cáo. Nhưng chuyện đời đâu có đơn giản như vậy, trang web không hấp dẫn, không thu hút người đọc thì lấy đâu ra quảng cáo? Bởi vậy Người Anh tuy chưa chết đuối nhưng cũng đang... hấp hối. Tình hình về sau anh ta sẽ như thế nào thì tôi đây cũng chưa biết chắc, vì thế chuyện kể tới đây là hết!

Hai Ẩu
eChip 298 (26/8/11)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét