Chuyện con cào cào


Nhà khoa học bắt một con cào cào bỏ lên bàn thí nghiệm. Ông hô: Cào cào, nhảy! Rồi lấy tay búng con cào cào. Tất nhiên là con cào cào nhảy.

Kế đến, nhà khoa học lấy kéo cắt hai chân sau con cào cào. Ông lại hô: Cào cào, nhảy!

Tất nhiên là con cào cào không nhảy (vì còn chân đâu mà nhảy!).

Nhà khoa học à lên một tiếng, rồi ghi vào sổ tay kết luận của mình: Khi ta cắt hai chân sau của con cào cào thì nó sẽ bị… điếc!

Đây là một câu chuyện cười khá quen thuộc, nó cười chuyện suy luận trật lất, bởi vì việc cắt hai chân sau của con cào cào chả ăn nhập gì đến chuyện nó bị… điếc cả.

Khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều người nôn nao chờ đợi hàng hóa – đặc biệt là máy tính – sẽ giảm giá. Thậm chí, khá đông người ngưng kế hoạch mua máy tính của mình lại để “chờ ít lâu nữa gia nhập WTO rồi giá máy giảm xuống sẽ tha hồ mà mua”.


Quả thật là máy tính đang giảm giá, nhưng đó là “quy luật muôn đời” của sản phẩm công nghệ thông tin. Có hay không có WTO thì sản phẩm công nghệ thông tin vẫn giảm giá, và là một trong những loại sản phẩm có tốc độ giảm giá nhanh nhất. Việc giảm giá này chả ăn nhập gì với chuyện gia nhập WTO, cũng như cắt chân con cào cào chả ăn nhập gì với chuyện nó bị điếc.

Những suy nghĩ cho rằng máy tính sẽ giảm giá khi Việt Nam gia nhập WTO lập luận rằng giá giảm do thuế nhập khẩu giảm. Điều này không đúng, vì từ lâu sản phẩm công nghệ thông tin đã là mặt hàng được nhà nước ta ưu đãi về thuế nhập khẩu. Thậm chí, có một số mặt hàng có thuế suất bằng 0 (như CPU, RAM). Khi gia nhập WTO, thuế một số mặt hàng cụ thể sẽ lên theo đúng lịch trình cam kết thuế quan, còn xuống thì hầu như không có. Như vậy, không thể có chuyện giảm giá do giảm thuế!

Tác động của việc Việt Nam gia nhập WTO lên lĩnh vực kinh doanh thiết bị công nghệ thông tin có lẽ không phải ở giá bán, mà là ở phương thức tổ chức, quản lý của các đơn vị kinh doanh sẽ được nâng tầm lên để có thể hội nhập tốt. Lúc bấy giờ hàng hóa sẽ được kiểm tra chất lượng kỹ hơn, khách hàng sẽ được phục vụ tốt hơn, những đơn vị kinh doanh theo kiểu chụp giật sẽ dần dần biến mất. Về phía các nhà cung cấp nước ngoài, sẽ có những sự cạnh tranh sòng phẳng mang đến lợi ích cho chúng ta.

Tóm lại, mọi sự sẽ ổn định hơn, không còn “loạn cào cào” nữa  (giống như con cào cào đã bị cắt chân). Điều này tốt hơn hẳn so với việc giảm giá chứ, phải không các bạn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét