Bộ phim Anh hùng là một tác phẩm điện ảnh thành công của Trương Nghệ Mưu. Phim kể về đất nước Trung Hoa thời Chiến Quốc, Tần Vương là người thống nhất 7 nước, trở thành vị hoàng đế đầu tiên. Ông là mục tiêu ám sát của các kiếm khách, trong đó có 3 thích khách khiến Tần Vương lo lắng là Tàn Kiếm, Phi Tuyết và Trường Không. Tần Vương hứa ban thưởng và cho phép người giết được 1 trong 3 cao thủ đó được diện kiến. Tuy nhiên, suốt 10 năm trời không ai có thể làm được điều này.
Vô Danh thuyết phục 3 đại hiệp khách này, chịu một nhát kiếm trước ba quân, tạo cơ hội cho chàng được tiếp cận vua Tần trong cự ly thích hợp để ra tay hành thích. Câu chuyện của Vô Danh đầy tính thuyết phục, và chàng đã được diện kiến Tần Vương, chỉ cách 10 bước chân. Trong thời điểm quyết định, thay vì ra tay hành thích, Vô Danh hiểu ra rằng chỉ có vị vua này mới có thể thống nhất toàn Trung quốc. Lấy Thiên Hạ làm trọng, chàng không giết Tần Vương và chấp nhận hy sinh dưới ngàn loạn tiễn.
Khái niệm Anh Hùng trong bộ phim rất bi tráng, trữ tình. Người Anh hùng là người làm nên chiến công ghi danh trong sử sách – hay là kẻ Vô danh hy sinh cho đại cuộc của Thiên hạ?
Từ thành công của bộ phim này, đạo diễn Trương quyết làm phim Anh hùng phần 2. Ông đi khắp nơi tìm kiếm ý tưởng cho kịch bản phim.
Trương đọc được tin ở đất nước nọ có một chàng ngư phủ, trong cơn bão kinh hoàng đã lênh đênh trên biển cả mấy tuần liền, phiêu dạt hàng tháng trời để rồi cuối cùng sống sót trở lại quê nhà. Chàng được báo chí suy tôn như một người hùng. Trương tâm đắc quá, ông nhớ đến Ông già và biển cả của Hemingway, Tình yêu cuộc sống của Jack London, và ông quyết chọn đây làm nhân vật cho kịch bản của mình. Chưa kịp đến đất nước nọ để lấy thêm thông tin và cảm hứng thì Trương Nghệ Mưu lại đọc được tin rằng chuyện sống sót qua giông bão của chàng ngư phủ chỉ là… xạo, mấy tháng qua chàng chỉ lênh đênh ở.. nhà vợ nhỏ chứ chẳng phải biển cả mênh mông gì cả. Thế là xong, sụp đổ một anh hùng.
Chỉ ít lâu sau, cũng từ đất nước nọ nổi lên một người anh hùng khác. Lần này là một chàng thư sinh trẻ tuổi, học chưa hết cấp 3. Nghe nói rằng chàng phát hiện ra lỗ hổng ở một website nọ do những bậc trưởng thượng điều hành. Trớ trêu thay chàng lại bị nghiêm phạt do hành động của mình. Nhiều người ca ngợi chàng như một thiên tài, một người hùng “tử vì đạo”. Nghe nói có một doanh nghiệp máy tính sẵn sàng chi cho chàng 20 triệu đồng để cứu nguy cho người hùng. Trương Nghệ Mưu mừng rỡ vì đã có đề tài cho kịch bản Anh Hùng phần 2, đặc biệt là nó lại liên quan đến vấn đề sốt dẻo của thời đại là Internet. Tội nghiệp thay cho ông, chưa kịp tìm hiểu thêm thì ông lại ngỡ ngàng khi mọi việc sáng tỏ. Té ra chàng thư sinh chẳng khám phá ra điều gì ghê gớm, còn hành vi của chàng chỉ là trò phá phách của tuổi trẻ bồng bột và là hành vi vi phạm pháp luật, cần nghiêm trị.
Ôi, Anh Hùng! Cuộc đời rất cần những Anh Hùng để làm đời tốt đẹp hơn, cũng như báo chí cần những tin nóng hổi để bán báo được nhiều hơn. Thế nhưng nhận chân được thế nào là Anh Hùng quả là khó lắm thay, đâu có thể nhìn thoáng qua mà biết được.
Trương Nghệ Mưu nghiền ngẫm mãi và quyết định: Thôi, ta không làm phim Anh Hùng nữa
Đó là lý do tại sao cho tới nay chúng ta vẫn chưa thấy có bộ phim Anh Hùng, phần tiếp theo của ông.
___
eChip tháng 1/2007
___
eChip tháng 1/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét