Sự tích Bánh dày bánh chưng năm 2007


Mùa Xuân lại đến. Tết năm nay, vua Hùng thứ… 180 nhớ đến chuyện tổ tiên đời thứ 6 đã truyền: "Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho", và từ đó có được Bánh dày bánh chưng. Noi gương người xưa vua ban chỉ: “Các con ta, ai mang đến cho ta chiếc laptop xịn nhất, đáp ứng được nhiều yêu cầu nhất, mẫu mã đẹp nhất thì ta sẽ truyền ngôi cho”.

Ở thời buổi công nghệ thông tin này, yêu cầu của vua dễ mà khó. Dễ vì thời nay laptop dẫy đầy, không còn là của quý hiếm như thuở nào nữa. Khó là vì quá nhiều model, mẫu mã, biết thứ nào vừa ý vua cha để được chọn đây.

Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm các model laptop mới nhất, xịn nhất từ các nhà cung cấp nổi tiếng nước ngoài như Sony, Toshiba, HP-Compaq, Acer… Họ không ngần ngại sục sạo trên Internet để tìm cho ra hàng “độc”, không “đụng hàng”.


Riêng hoàng tử thứ 18 là Tiết Liêu lại làm cách khác. Chàng quyết tâm làm ra chiếc laptop mang thương hiệu Việt Nam để dâng tặng vua cha. Khổ cho chàng, nếu ngày xưa ông tổ Tiết Liêu được thần nhân mách bảo hãy dùng gạo nếp là vật phẩm tự có để làm bánh, hình vuông để tượng trưng cho Đất, hình tròn tượng trưng cho Trời, lá xanh bọc ngoài, nhân ở bên trong để tượng trưng cho cha mẹ đùm bọc con cái – thì giờ đây, chàng chẳng được thần nhân nào mách bảo, và cũng chẳng có gì là vật phẩm tự có (đều là linh kiện ngoại nhập cả!), chẳng thể có ý tưởng thiết kế nào mới lạ đối với sản phẩm công nghệ cao như vậy cả.

Đến ngày hẹn, mọi người mang đến đủ loại laptop hiện đại nhất, đẹp nhất với những thương hiệu nổi tiếng dâng lên vua Hùng. Riêng Tiết Liêu mang đến một chiếc laptop thương hiệu Việt Nam.

Ôi, dù là máy của Tây hay máy của ta thì cũng đều giống như nhau vì cũng đều được lắp ráp bằng linh kiện ngoại nhập có chọn lọc cả, chứ không phải như ngày xưa Bánh dày bánh chưng mang hẳn một nét riêng. Vua Hùng thứ 180 xem xét qua tất cả các máy và thấy rằng mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười. Ông băn khoăn quá, và khi xem đến máy laptop của Tiết Liêu, ông thấy có một thứ khác biệt: Đó là cái… thương hiệu Việt Nam chứ không phải thương hiệu nước ngoài. Điều đó ít nhiều nói lên được tinh thần dân tộc của chàng hoàng tử thứ 18. Vua cũng có chút cảm tình riêng với Tiết Liêu vì ý nghĩ này, nhưng bấy nhiêu là chưa đủ. Ông quyết định hỏi thêm chàng rằng laptop của chàng có gì đặc biệt hay không?

Khổ thay, như đã kể ở trên, ngoài cái thương hiệu và logo gắn trên máy, laptop của Tiết Liêu cũng y chang như máy nước ngoài chứ chẳng có gì khác biệt.

Không chọn được vật phẩm nổi trội, vua đành phán:

Năm nay ta không chọn được hoàng tử nào dâng laptop nổi trội nhất để truyền ngôi vua. Thôi thì laptop cái nào cũng giống nhau, quan trọng là sau khi laptop đến tay người sử dụng các ngươi sẽ có chế độ hỗ trợ, phục vụ tốt như thế nào. Đó chính là nét riêng của sản phẩm Việt, và điều này sẽ được xác định không phải bởi nhà vua mà bởi thần dân, bá tánh trong thiên hạ. Năm sau ta sẽ dựa vào đó để truyền ngôi vua.

Vậy là câu chuyện Bánh dày bánh chưng năm 2007 chỉ mới bắt đầu chứ chưa kết thúc!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét