Sau bao nhiêu ngày chờ đợi, Windows Vista đã ra mắt, lễ ra mắt hoành tráng. Nhưng giá bán cũng hoành tráng không kém làm nhiều người băn khoăn, đặc biệt là trong tình hình hiện nay vấn đề tôn trọng bản quyền phần mềm đang được đặt ra nghiêm túc.
Anh bạn tôi làm nghề bán bánh mì nhưng rất đam mê tin học, tỏ ra bức xúc, nói với tôi:
- Tui cũng muốn tôn trọng bản quyền phần mềm lắm, nhưng bán bánh mì như tui làm sao có đủ tiền mua phần mềm có li-xăng?
Rồi anh tự đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề:
- Có một tay có hoàn cảnh giống tui, nó đi bán há-cảo mà viết ra hệ điều hành Linux, xài cũng được lắm. Muốn xài máy tính, không vi phạm bản quyền mà lại đỡ tốn tiền chỉ còn cách xài mấy hệ điều hành này.
Anh ta nói tiếp:
- Ừ, sao cũng được. Nhưng rõ ràng là có những tay viết được, làm được. Há cảo Linux chưa phải là hoàn hảo, bởi vì nó chỉ thành hình bởi những nỗ lực cá nhân. Việt Nam ta có không ít tay có tài và có tâm để làm được hệ điều hành và phần mềm nguồn mở như vậy. Vấn đề là có ai để tập hợp họ lại, nuôi họ, và sử dụng những sản phẩm do họ tạo nên.
Và anh tiếp tục tự đề xuất phương án:
- Nhà nước mình nên có một chương trình tập hợp những tay có năng lực và nhiệt tình như anh chàng bán hay… ăn há cảo gì đó lại, có chế độ đãi ngộ thật hậu hĩnh (trả lương mỗi tháng cỡ vài chục hay một trăm triệu), họ sẽ sung sướng và dồn hết tâm sức để viết nên hệ điều hành nguồn mở và những công cụ khác thật hoàn chỉnh. Sau đó những sản phẩm của họ sẽ được nhà nước ta trân trọng đưa vào sử dụng cũng như cung cấp cho các doanh nghiệp. Phương án này có khối điều lợi. Thứ nhất, ta có hệ điều hành để xài mà đỡ tốn cả đống tiền mua Windows. Thứ hai, những người có tài được trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng. Thứ ba, lớp trẻ nhìn thấy đàn anh cống hiến tài năng và được vinh danh, chúng sẽ nhiệt tình học tập và làm việc theo tấm gương đó…
Tôi bật cười trước sự “ngây thơ” của anh ta và phản biện:
- Sáng kiến của anh nghe hay lắm, nhưng không thể nào thực hiện được. Thứ nhất, liệu anh có ảo tưởng quá về tài năng của anh em lập trình viên nước ta không? Cứ cho là không ảo tưởng, có những tài năng xuất chúng đi thì anh vẫn vấp phải trở ngại thứ hai: đó là khả năng làm việc nhóm của họ; đây là một nhược điểm lớn của người Việt Nam ta, một người có thể rất hay, nhưng nhiều người tài gom lại thì chẳng ai chịu ai và làm ra sản phẩm chẳng ra làm sao cả. Thứ ba, cứ cho là có những thiên tài, và những tài năng ấy hoàn toàn có thể kết hợp với nhau thật tốt, thì bài toán đặt ra là AI sẽ là người biết chọn ra họ và tập hợp họ lại để làm việc?
Anh ta giận dỗi, hỏi lại:
- Tại sao lại không? Những người làm tốt thì bọn bán bánh mì như tôi còn biết, chẳng lẽ những nhà quản lý lại không biết?
Tôi giải thích:
- Giả sử có một tập hợp hay một ban gì đó theo ý anh, được đãi ngộ hậu hĩnh thì sẽ có vô số tay nhào vô để được hưởng lợi, và bằng cách nào đó họ sẽ được chọn (cho dù năng lực có thể chưa phải xuất sắc). Còn anh chàng há cảo của anh, tôi nghĩ là phải xếp hàng chờ cho đến bao giờ chẳng rõ. AI là người chọn, và chọn có ĐÚNG không là cả một vấn đề. Mà nè, từ lâu ở nước ta cũng đã có việc làm tương tự, là tập hợp những người giỏi để viết các phần mềm dùng chung cho từng ngành, mà hiệu quả có tốt lắm đâu. Anh biết chuyện đó không?
Anh ta không đồng ý với những phản biện của tôi, chê rằng tôi bi quan và cố chấp. Thế rồi nghe đâu anh đã viết cả một đề án về sáng kiến của mình, gửi lên các cấp có thẩm quyền.
Điều khiến tôi bất ngờ nhất và cũng làm tôi thấy hết sức hân hoan là cuối cùng sáng kiến của anh ta đã được chấp nhận và triển khai thực hiện!
Vậy là kể từ giờ các bạn trẻ tài năng sẽ có cơ hội phát triển tài năng của mình cũng như sẽ được đãi ngộ xứng đáng, những người sử dụng phần mềm như chúng ta sẽ yên tâm có phần mềm xịn để xài mà không phải lo ngay ngáy chuyện không có tiền mua li-xăng!
Điều cuối cùng còn lại, cũng là điều tôi lưu ý với bạn đọc trước khi kết thúc bài này là: Bài này được viết để đăng trên eChip số ra ngày 30 tháng 3, và tôi viết để chào mừng ngày 1 tháng Tư, ngày Cá Tháng Tư nổi tiếng đấy các bạn ạ!
___
eChip - tháng 3/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét