Sự tích Hòn vọng… phu


Năm 2515, một phát hiện gây chấn động trong giới khoa học. Trong khi xây dựng các công trình mới, người ta phát hiện dấu vết của một đô thị cổ cách đây năm thế kỷ. Địa điểm khai quật được xác định là khu vực Sài Gòn của 500 năm trước.

Ngoài những giá trị lịch sử của di tích, có một hiện tượng mà các nhà khảo cổ không lý giải được: Người ta tìm thấy vô số khối đá có hình dạng người với dáng vẻ đang mong đợi điều gì đó rải rác khắp nơi trong khu vực đô thị cổ.


Đây là hòn vọng phu chăng? Sự tích hòn vọng phu đã lưu truyền hàng ngàn năm trước, có những người vợ mong ngóng chồng về ôm con hóa đá ở đầu non. Nghe kể rằng từ Bắc vào Nam có rất nhiều tượng đá vọng phu như vậy, và cũng nghe nói rằng vào cuối thiên niên kỷ trước có tượng đá đã bị người ta phá ra để… nấu đá vôi. Có thể, với tấm lòng trân trọng di sản, Sài Gòn đã mang tất cả các tượng vọng phu ấy về để bảo vệ tượng thoát khỏi sự tàn phá của thiên nhiên và cả của con người.

Giả thuyết này nhanh chóng bị bác bỏ, bởi vì các tượng đá vọng phu không thể nhiều như vậy. Hơn nữa, có 2 chi tiết đáng chú ý là:

  • Thứ nhất, dù là có dáng vẻ vọng... cái gì đó thiệt, nhưng các tượng này không hẳn là đàn bà, mà cũng chẳng có ôm con.
  • Thứ hai, dù là hóa thạch, nhưng đây không phải là đá vôi, mà là... đá ong. Nó thủng lỗ chỗ như ngấn lệ vậy đó.
Từ chỗ vật liệu tượng là đá ong, một giả thuyết khác được đưa ra. Rằng xưa kia nơi đây có núi lửa phun trào, dòng dung nham chảy ra rồi nguội lại tạo thành các khối đá. Nhưng... sao dung nham không tạo hình như Ghềnh Đá Đĩa hoặc các di tích núi lửa khác mà lại tạo thành hình người ngóng đợi ai? Kỳ vậy?



Các tranh cãi diễn ra mãi cho đến khi có một nhà sử học bỏ nhiều năm nghiên cứu tư liệu cổ, và đưa ra kết luận mới. Bằng những số liệu nghiên cứu của mình, nhà sử học cho biết:

Vào đầu thiên kỷ, ở xứ sở Việt Nam có một thứ phổ cập rất nhanh gọi là Internet. Người ta dùng Internet vô mọi thứ, từ truyền dẫn thông tin, đọc tin tức, đến chơi đùa, nghe nhạc, xem phim... Hồi đó để Internet hoạt động, người ta xài một thứ gọi là cáp quang biển AAG. Mọi sự bắt đầu từ đây.

Cáp quang bị đứt, đường truyền bị chậm hẳn. Khi truy cập Internet phải mỏi mòn chờ đợi, người như muốn hóa đá.

Nếu cáp quang AAG bị đứt luôn thì có 2 tình huống có thể xảy ra. Một là người ta sẽ bỏ nó luôn và thay thế bằng hệ thống cáp khác ổn định hơn, khi đó mọi người sẽ không ngóng chờ nữa và không ai hóa đá. Hai là tình trạng chập chờn cứ như thế mãi, mọi người sẽ chờ mãi mà hóa... đá vôi, thành hòn vọng... net!

Trên thực tế, 500 năm trước cả 2 tình huống trên đều không xảy ra. Khi cáp quang AAG đứt, mọi người truy cập Internet quá chậm chờ đợi mỏi mòn, vừa chớm hóa đá thì cáp được nối lại, hoạt động bình thường. Được một vài tuần tạm ổn thì cáp quang lại đứt nữa. Lại chờ đợi mỏi mòn, và lại hóa đá thêm chút nữa. Cứ như vậy triền miên năm này qua tháng nọ, người ta bị hóa đá từng phần, từng phần cho đến toàn thân. Kết cấu tượng đá kiểu ấy có hình dáng giống đá ong.


Cho đến giờ, các nhà khoa học cho rằng đây là giả thuyết hợp lý nhất.

Người ghi chép: Cháu đời thứ 20 của Hai Ẩu
eChip M! 505 - 24/06/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét