Thuyết khách 3


Xin nhắc lại, Quỷ cốc tiên sinh có bốn học trò xuất sắc: Tôn Tẩn được đào tạo thành chuyên gia phần mềm, Bàng Quyên là chuyên gia phần cứng, hai chàng Tô Tần, Trương Nghi là chuyên gia đàm phán. Kỳ trước ta đã biết chuyện về chuyến du thuyết của Tô Tần, trước khi kể chuyện Trương Nghi, hãy kể qua một chút về những nhân vật có liên quan: Tôn Tẩn và Bàng Quyên.

Bàng Quyên thấy thị trường công nghệ thông tin phát triển như vũ bão mà sốt ruột, bèn xin thầy hạ sơn để tạo công danh.

Quyên đến nước Ngụy, tâu với Ngụy vương rằng mình là chuyên gia xuất chúng về phần cứng, đủ sức giúp Ngụy vương xây dựng một hệ thống thông tin hiện đại bậc nhất thiên hạ. Ngụy vương nghe lời, giao quyền cho Bàng Quyên xây dựng một cổng giao tiếp điện tử (ta thường gọi là poọc-tồ) cực kỳ hiện đại cho nước Ngụy.

Vàng bạc trong ngân khố trị giá hàng chục tỷ đồng được đổ ra để Bàng Quyên xây dựng nên một công trình nở mày nở mặt với đời, lưu danh hậu thế.


Thế nhưng cổng thì có mà người đi qua đi lại thì không. Triều thần đàm tiếu, nào là: “cải cách hành chính của ta vẫn còn chưa đạt đến một trình độ nhất định để có thể điện tử hoá mà ta vẫn gọi là tin hoá quản lý hành chính nhà nước. Một bộ máy cũ cộng tin học hoá sẽ vẫn cho ta một bộ máy cũ cộng một chi phí rất lớn”[1], nào là: “Cổng giao tiếp điện tử là một vấn đề khó nếu không làm các hệ thống thông tin thành phần thì không thể duy trì các hệ thống cổng thông tin điện tử hoạt động một cách hiệu quả được”[2] v.v...

Bàng Quyên vừa tức, vừa lo, không biết phải làm thế nào.

Quỷ cốc tiên sinh thấy vậy, khuyên Tôn Tẩn xuống núi giúp Bàng Quyên. Trước khi đi, ông đưa cho Tôn Tẩn một cái flash drive, dặn rằng lúc nguy cấp hãy mở file trong đó ra xem để biết cách ứng phó.

Bàng Quyên biết Tôn Tẩn là chuyên gia phần mềm xuất sắc, một phần mong cho Tôn Tẩn giải quyết giúp mình làm cho cổng giao tiếp điện tử có giá trị thực tiễn, phần khác lại lo Tôn Tẩn vạch ra rằng mình đang đầu tư lãng phí.

Tôn Tẩn xem qua công trình của Bàng Quyên, nhăn mặt nhíu mày suy nghĩ, uống hết tám ly cà phê để tăng thêm năng lực tư duy, rồi tặc lưỡi lắc đầu: “Ngộ pó tay”. Bàng Quyên giận lắm, lợi dụng lúc Tôn Tẩn đang đạp xe suy nghĩ vẩn vơ, thuê xã hội đen tông xe làm Tôn Tẩn gãy hai giò, phải vô nằm bệnh viện.

Nằm trong bệnh viện, Tôn Tẩn trằn trọc nghĩ suy: Tại sao chuyện nên làm là xây dựng các hệ thống thông tin thành phần mà lại không làm? Tại sao chuyện cần làm sau lại làm trước? Tại sao chuyện cần đầu tư ít mà hiệu quả cao lại không làm lại làm chuyện đầu tư nhiều mà không hiệu quả? Tại sao không suy nghĩ giải pháp cho cặn kẽ trước mà lại vội vàng đầu tư thiết bị? Không giải thích được, Tôn Tẩn sực nhớ lới thầy dặn, bèn móc flash drive ra cắm vô máy tính coi thầy biểu mình phải làm gì. Than ôi, cú tông xe quá dữ làm flash drive hư mất, không đọc được gì cả. Uất ức quá, Tôn Tẩn thét lên: Thế này có ĐIÊN không chứ! (về sau, sử sách chép nhầm rằng trong file Quỷ Cốc tiên sinh chép cho Tôn Tẩn chỉ có một chữ “Cuồng”, ý nói Tôn Tẫn hãy giả điên – thực ra không phải như vậy, chẳng qua là Tôn Tẩn tức quá phát điên).

Dù sao đi nữa Tôn Tẩn cũng đã điên. Trong cơn điên, anh ta cứ lẩm bẩm: Điên rồi, điên rồi! Có phải ta điên rồi hay không?



[1] Trích ý kiến ông Nguyễn Mạnh Dũng, GĐ Sở Bưu chính Viễn thông Hà Nội (xem www.vnn.vn/cntt/2005/04/405157/ )
[2] Trích ý kiến ông Lương Cao Sơn, Thư ký Ban Đề án 112 (xem www.vnn.vn/cntt/2005/04/405157/ )
___
eChip 201

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét