Khi máy tính biến mất

Câu chuyện số 1:

Một ngày nọ, chiếc máy tính xách tay của nhà báo X bỗng nhiên biến mất. Không cần tìm hiểu nguyên nhân biến mất là gì, có thể là bị trộm, bị bỏ quên đâu đó, hay bị hư hỏng bất ngờ; điều chúng ta xem xét ở đây là hoàn cảnh của X sẽ ra sao khi máy tính biến mất.

Nhà báo X suýt nữa phải vào bệnh viện tâm thần vì cú sốc quá nặng. Tiếc của là một lẽ, vì chiếc máy tính xách tay là cả một gia tài của anh, nhưng điều quan trọng hơn, làm anh mất ăn mất ngủ - thậm chí suýt khùng là: toàn bộ dữ liệu của anh lưu trong máy đã mất sạch!

Bạn có biết chăng, đối với một nhà báo trong thời buổi công nghệ thông tin này thì gần như toàn bộ mọi tác nghiệp đều thông qua máy tính. Viết bài: nhập vào máy tính. Lưu trữ tư liệu: trong máy tính. Chụp ảnh: lưu lại trong máy tính. Tìm kiếm thông tin: qua máy tính và internet. Gửi tin, bài: qua email. Trao đổi thông tin với đồng nghiệp: qua email. Bao nhiêu bài viết dang dở, bao nhiêu tư liệu thu thập để viết bài của X đều nằm trong máy tính, và thêm nữa, tất cả các địa chỉ email để liên lạc cũng đều nằm ở đấy. Thế mà bây giờ tất cả đều biến mất, bặt vô âm tín. X trở thành kẻ trắng tay và trắng cả... cái đầu (hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).

X đau khổ rút ra bài học: Công nghệ thông tin giúp ích chúng ta thật nhiều, nhưng sự lệ thuộc vào công nghệ thông tin sẽ khiến chúng ta rơi vào tình trạng vô cùng khủng khiếp nếu mất nó!


Câu chuyện số 2:

Một ngày nọ, chiếc máy tính xách tay của chủ doanh nghiệp Y bỗng nhiên biến mất. Cũng không cần tìm hiểu nguyên nhân biến mất là gì, chúng ta xem thử hoàn cảnh của Y sẽ ra sao khi máy tính biến mất.

Ông Y hơi bị choáng trước sự cố này. Ông cũng hơi tiếc của, nhưng không đến nỗi trầm trọng như nhà báo X, vì đối với một doanh nghiệp, tài sản máy tính xách tay cũng không hẳn là lớn. Tương tự nhà báo X, bao nhiêu số liệu kinh doanh, thông tin đối tác, thông tin sản phẩm của ông đã không cánh mà bay. Điều này cũng làm ông lo lắng, nhưng không đến nỗi nào. Bởi vì những số liệu quan trọng của doanh nghiệp vẫn còn nằm ở server trong hệ thống mạng của doanh nghiệp, một phần khác đã được backup (lưu trữ dự phòng) trên các đĩa CD.

Điều khiến chủ doanh nghiệp Y hoang mang nằm ở chỗ khác: Nếu chiếc máy tính xách tay của ông rơi vào tay kẻ khác thì toàn bộ số liệu kinh doanh, thứ thông tin tối mật của doanh nghiệp sẽ bị lộ. Nếu nó rơi vào tay đối thủ cạnh tranh thì quả là một bi kịch!

Y rút ra bài học: Thông tin là thứ tài sản cực kỳ quan trọng và quý giá của doanh nghiệp!

Câu chuyện số 3:

Một ngày nọ, chiếc máy tính xách tay của quan chức Z bỗng nhiên biến mất (nghe đâu vị quan chức này làm ở đơn vị tên là Pờ-Mu gì đó). Hoàn cảnh của ngài Z sẽ ra sao khi máy tính biến mất?

Không sao cả! Chuyện mất một tài sản cỡ máy tính xách tay đối với ngài Z chả là gì cả.

Trong máy tính xách tay cũng chẳng có số liệu gì để ngài Z phải tiếc. Bởi vì hầu như ngài không sử dụng máy tính để ghi nhận số liệu gì cả, cũng chẳng dùng nó để gửi mail gửi miếc gì. Nếu có tiếc chăng là tiếc một chút những đoạn phim, những hình ảnh “vui vẻ” mà thỉnh thoảng ngài vẫn thường xem để giải trí.

Xem ra trong 3 trường hợp nêu trên thì quan chức Z là người có bản lĩnh hơn cả. Ngài không hề để mình phải lệ thuộc vào công nghệ thông tin như X và Y. Bằng chứng là máy tính có mất hay còn đối với ngài chẳng để lại chút gợn nào trong công việc, trong cuộc sống.

Bình luận: Các bạn tự bình luận vậy nhé, tôi không có ý kiến.
___
eChip 04/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét