Đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ

Câu chuyện tôi sắp kể không phải chuyện đời xưa, mà là chuyện năm 2007 – và nơi xảy ra chuyện không phải một xứ sở thần tiên nào mà chính là một nơi trên đất nước Việt Nam của chúng ta. Thế nhưng do đặc điểm của câu chuyện, xin hãy gọi nó là chuyện cổ tích vậy nhé!

Khi chúng tôi gửi xe hai bánh để vào chợ Dương Đông (Phú Quốc), tôi lúng túng chờ hoài mà chẳng thấy người ta đưa cho mình chiếc thẻ giữ xe. Rồi đến khi lấy xe cũng thế, cũng chẳng cần giấy tờ gì cả mà người giữ xe chỉ tỉnh bơ “Xe nào của ông, ông cứ lấy!”.

Đem điều kỳ lạ này hỏi anh bạn Phú Quốc, anh ta cười xòa, nói:

Tại anh ở xa đến nên không biết, xứ này không có trộm cắp gì cả. Mà đã không ai lấy trộm xe của anh, anh cũng chẳng lấy trộm xe ai thì có cái thẻ giữ xe để làm gì?

Và anh ta kể thêm một cách tự hào:

Ban đêm dân ở đây ngủ không cần đóng cửa, hoặc đồ đạc vẫn để ở ngoài sân mà không hề mất. Thí dụ như nhà tôi đây, anh nhìn ngoài sân kia, bao nhiêu là cây kiểng giá trị, rồi máy bơm nước… cứ bỏ đó mà có mất đâu. Hà, ngày mai tôi sẽ chỉ cho anh một số cái nhà đã xây xong mà không thèm làm cửa, chỉ có một tấm rèm phất phất phơ phơ để làm đẹp và che tí nắng gió thôi!


Tôi nhớ Nguyễn Công Trứ đã từng viết: Người quân tử ăn chẳng cầu no – Đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ. Nhưng đó là ông ấy tự giễu mình, bởi vì nhà ổng nghèo quá chẳng có cái quái gì đáng trộm cả, đến nỗi ăn trộm nó nhìn vô cũng… phát chán. Còn đàng này, trong nhà người ta có lắm thứ quý giá, chẳng hạn máy laptop nè, máy ảnh kỹ thuật số nè… Vậy mà vẫn cứ tỉnh bơ “cửa thường bỏ ngỏ”! Quả là chuyện cổ tích thế kỷ 21!

Đoạn sau của câu chuyện này không còn là chuyện cổ tích nữa.

Tôi không nỡ nói với ông bạn Phú Quốc của mình điều tôi vừa phát hiện ra. Điều phát hiện là: Dân Phú Quốc đầy dẫy người trộm cắp – và chính anh bạn thân mến của tôi cũng chính là một kẻ trộm!

Bạn có biết họ trộm cái gì không?

Đó là hệ điều hành Windows, phần mềm Microsoft và vô số phần mềm không có bản quyền khác đang cài đầy trong các máy tính của bạn tôi và của cư dân Phú Quốc.

Bạn tưởng tượng xem, nếu tôi nói điều này với anh bạn Phú Quốc thì phản ứng của anh sẽ như thế nào? Chắc chắn là sẽ không “tâm phục, khẩu phục”. Hành vi ăn trộm rất đáng lên án khi nó đi liền với ý thức ăn trộm. Đàng này, những người mà chúng ta kể ở trên không hề có ý thức ăn trộm, vì rõ ràng là ở xứ họ không hề có nạn trộm cắp xảy ra.

Số liệu thống kê cho biết rằng ở Việt Nam trên 90% số phần mềm đang sử dụng là vi phạm bản quyền (được gọi bằng một từ rất “dữ dằn” là pirate – có nghĩa gần như là kẻ cướp), nghe mà tủi hổ quá chừng! Nhưng bao nhiêu trong số đó là ăn cắp không có ý thức? Bao nhiêu phần trăm là do “hoàn cảnh bắt buộc” (phần mềm có bản quyền giá quá cao)? Thiết nghĩ, muốn giải quyết được vấn đề tôn trọng bản quyền phần mềm thì ngoài việc ép người ta mua và lên án việc vi phạm bản quyền cần phải giải quyết được tốt hai điều: Ý thức sử dụng phần mềmĐiều kiện mua phần mềm có bản quyền (bán với giá phải chăng). Mong rằng sẽ có được ngày ấy, để câu chuyện cổ tích của chúng ta sẽ không có đoạn sau chua như giấm thế này!
___
eChip - tháng 5/2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét