Mất bao lâu để thành chuyên gia công nghệ thông tin?

Đây là một đề tài nghiên cứu phức tạp, những nội dung ghi dưới đây không phải là ý kiến của Hai Ẩu mà được rút ra từ luận án tiến sĩ của một chuyên gia giáo dục (có nghĩa là có cơ sở khoa học đàng hoàng chứ không phải… ẩu).



Theo kết quả nghiên cứu này, để trở thành một chuyên gia (phần mềm hoặc phần cứng) thì chí ít anh chàng hay cô nàng này phải học xong đại học 4 – 5 năm, sau đó làm việc trong một công ty để vận dụng kiến thức và tích lũy kinh nghiệm – ít ra cũng phải 3 – 5 năm nữa (với điều kiện không bị công ty đó tống cổ vì quá hậu đậu). Vậy là phải mất 7 – 10 năm để trở thành một tay chuyên nghiệp về công nghệ thông tin.


Có thể có vài trường hợp cá biệt không cần phải học đại học, nhưng bù vào đó tay này phải lăn lộn thực tế, lên bờ xuống ruộng trong chừng ấy năm mới trở thành prồ được.

Còn nếu muốn trở thành giám đốc một đơn vị công nghệ thông tin, nghĩa là sếp của tay chuyên gia nói trên thì mất bao lâu? Nghiên cứu cho biết là mất cỡ 3 năm, đó là thời gian tiếp cận, tìm hiểu về công nghệ thông tin. Còn thêm điều kiện phụ nữa là phải có máu mê công nghệ thông tin và phải… có tiền!


Nếu muốn trở thành chuyên viên của văn phòng ủy ban, vạch ra đường lối phát triển công nghệ thông tin của địa phương, của ngành, nghĩa là “sư phụ” của các công ty máy tính, hét một tiếng là các tay giám đốc nói trên phải chạy có cờ - thì phải mất bao lâu? Nghiên cứu nói trên đã thống kê và cho biết, mất khoảng “3 tháng rút gọn”! Nghĩa là học cấp tốc một khóa đào tạo tin học 3 tháng, không phải học liên tục mà còn phải đi họp, đi cơ sở và… đi nhậu!

Còn muốn trở thành sếp của mấy tay cố vấn nói trên phải học tin học trong bao lâu? Nghiên cứu cho biết muốn trở thành Trưởng ban chỉ đạo phát triển CNTT hoặc chủ nhiệm đề án 112 – tức là sếp lớn nhất – thì phải mất cỡ 15 giây! Đó là thời gian để đọc quyết định bổ nhiệm… làm sếp. Điều kiện cần là “chuyên gia” này phải đang là Chánh văn phòng, phó chủ tịch hay chủ tịch ủy ban gì đấy hoặc cấp tương đương. Yên tâm, không cần biết CPU hay RAM là cái giống gì vẫn có thể “chỉ đạo” được mà!


Luận án tiến sĩ này chưa được bảo vệ nên chưa biết sẽ được Hội đồng khoa học đánh giá thế nào. Hai Ẩu tình cờ chôm được nên ghi lại cho các bạn coi chơi!

___
Ghi chú: Bài này không dành cho các sĩ tử đang chuẩn bị thi đại học. Ngoài ra, thật vô cùng áy náy nói riêng cùng các bạn rằng đây là một trong số những bài Hai Ẩu gửi cho eChíp cách đây mấy năm  mà không được đăng (có lẽ vì quá dở hay sao đó), hì hì, đành lén lén đưa lên blog cho khỏi uổng công viết vậy!

Hai Ẩu
Bài không được đăng báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét