Duyên lỡ làng rồi…

Tiếp chuyện với tôi là một người đàn ông trung niên, độ tuổi ngoài bốn mươi. Anh là giám đốc một doanh nghiệp nhỏ.

Mười lăm năm rồi Việt Nam tiếp cận với Internet, bản thân anh và doanh nghiệp của mình đã gắn bó với Internet như thế nào?

Anh lặng yên khi nghe câu hỏi ấy, rồi với chút suy tư, chút tiếc nuối, anh trả lời:

  • Mới đó mà đã mười lăm năm rồi sao? Như mười lăm năm lưu lạc trong đời nàng Kiều để rồi trở về trong sự lỡ làng. Đời tôi với Internet như một sự lỡ làng, anh ạ.
Thế rồi anh tâm sự cùng tôi cái sự lỡ làng ấy.

Lỡ chuyến đò


Mười lăm năm trước, lúc Internet bắt đầu đến với Việt Nam là lúc tôi đang ở độ tuổi hăng say nhất của sự nghiệp và bắt đầu thành đạt. Không quá trẻ để vồ vập công nghệ mới một cách say sưa, nhưng cũng chưa già để dửng dưng lạnh nhạt. Tôi quan sát người ta ứng dụng, người ta đầu tư vào Internet một cách hào hứng.


Thời ấy phong trào dot com bùng nổ khắp thế giới, hàng loạt công ty về Internet ra đời, giá cổ phiếu của chúng tăng lên vùn vụt. Ở Việt Nam cũng theo trào lưu ấy, nhưng ở mức độ thấp hơn, những công ty với dịch vụ thiết kế web ra đời. Là người đã có sẵn một doanh nghiệp, tôi theo dõi những việc ấy một cách phấn khởi nhưng đầy cẩn trọng. Tôi tự nhủ khi thời cơ đến mình cũng sẽ lao vào đầu tư trong lĩnh vực Internet.

Thế nhưng thời cơ ấy đã không đến. Ngược lại, dot com đã vỡ tung như bong bóng xà phòng. Hàng loạt công ty sụp đổ và biến mất, cả ở thế giới lẫn Việt Nam. Tôi rút kinh nghiệm và tự nhủ: May mà mình đã không đi theo vết xe đổ của mọi người. Nếu lao vào web, có khi giờ đây doanh nghiệp mình đã phá sản.

Thế rồi tôi không quan tâm gì đến Internet, đến web nữa. Xem rằng đó là những thứ phù du, tôi miệt mài chăm lo cho doanh nghiệp đang sẵn có của mình.

Đó là lần lỡ chuyến đò…

Lỡ chuyến tàu

Ít lâu sau đó, tôi nghe người ta nói về Web 2.0. Người ta nói rằng nền tảng web bây giờ muốn có hiệu quả phải là web 2.0, nghĩa là web có sự tương tác hai chiều giữa chủ nhân trang web và người xem. Chẳng hạn những trang web báo chí phải có chỗ nhận ý kiến phản hồi, những trang web cơ quan, công ty phải có nơi để góp ý…

Khác với thuở sơ khai ban đầu, việc tiếp nhận Internet khá đơn giản, dễ hiểu vì chưa có nhiều khái niệm (chỉ phiền là lúc ấy nền tảng hạ tầng quá kém, truy cập quá khó khăn), bây giờ đã có nhiều khái niệm hơn, tôi không còn thấy nó dễ hiểu như ngày xưa nữa.

Ở độ tuổi 35, cơ nghiệp khá ổn định, tôi nhìn nhận vấn đề một cách dè dặt.  Đàng nào thì doanh nghiệp của tôi cũng có những ứng dụng Internet cơ bản. Có email này, có một website chính thức này… Website tuy không thu hút người xem nhưng cũng là có như ai. Vậy thì có nên quan tâm  cải tiến nó thành web 2.0 hay không? Hay xa hơn nữa, có nên đầu tư vào lĩnh vực web hay không?

Câu trả lời là: Không! Dứt khoát là Không! Kinh nghiệm cho thấy những phong trào trên web nổi lên rồi vỡ tung như bọt xà phòng, không đáng quan tâm. Vả lại, cần phản hồi trên trang web để làm gì cơ chứ? Chẳng phải là mình đã có mail box hay sao, ai muốn gì thì cứ gửi mail!

Đấy là lần lỡ chuyến tàu…

Lỡ chuyến bay

Thời gian thấm thoát trôi qua. Web không xẹp xuống mà càng ngày càng bùng lên, càng lan rộng. Ngày càng nhiều thứ ra đời khiến cho tôi không kịp hiểu điều gì đang xảy ra.

Nào là blog, nào là mạng xã hội, nào là forum…, những cái đó hợp lại tạo thành một thứ gọi là social media. Những thứ cổ điển tưởng chừng bất di bất dịch cũng đã thay đổi. Như ngày nào nói đến phương tiện truyền thông là ta nghĩ đến báo chí, truyền hình… thì bây giờ ai ai cũng có thể là một cơ quan truyền thông thông qua blog hoặc trang web cá nhân của mình, hoặc một tài khoản trên mạng xã hội. Khái niệm quảng cáo cổ điển cũng thay đổi. Bây giờ là Internet marketing, không phải in quảng cáo đập vào mắt người ta như trên báo hay phim quảng cáo trên ti vi, mà là thu hút quảng cáo theo tình huống và trả tiền quảng cáo theo từng click chuột (pay per click), khách hàng không xem thì không trả tiền. Bây giờ là vô vàn những phương cách PR và quảng cáo một cách khéo léo, tinh vi thông qua social media…

Tôi thực sự hoảng hốt và thấy mình đã lạc hậu, nhưng đã lỡ chuyến đò, lỡ chuyến tàu… Tôi không biết bắt đầu từ đâu cả, thôi đành lỡ chuyến bay…


Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình

Anh tỏ vẻ cam chịu, nói với tôi:

Hôm nay, nhìn vào lĩnh vực web thấy toàn là các bạn trẻ tuổi đôi mươi, tôi tự cảm thấy mình già quá rồi anh ạ. Giống như nàng Kiều, mười lăm năm trước gặp Kim Trọng nhưng chẳng nên duyên, giờ đây gặp nhau thì mọi chuyện đã lỡ làng rồi:

Chàng dù nghĩ đến tình xa,
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ.
Nói chi kết tóc xe tơ,
Đã buồn cả ruột mà dơ cả đời!


Thôi thì bây giờ mình chỉ dùng Internet để làm vui, ngày ngày vô mạng đọc báo, xem phim, nghe nhạc thôi anh ạ. Còn việc nghiên cứu ứng dụng Internet cho việc kinh doanh và các lĩnh vực khác thì thôi, xin nhường cho lớp trẻ vậy…

Có những điều tôi đồng ý với anh. Công nghệ là thứ thường xuyên thay đổi, đặc biệt là trong lĩnh vực Internet. Việc giới trẻ nắm bắt công nghệ mới nhanh nhạy hơn lớp già là điều tất yếu. Ngay cả ở tầm cao thời đại của Bill Gates (Microsoft) cũng đã dần qua để thay bằng lớp trẻ hơn như Sergey Brin và Larry Page (Google) và trẻ hơn nữa như Zuckerberg (Facebook).
Anh đã lỡ chuyến đò, lỡ chuyến tàu và thậm chí lỡ cả chuyến bay, đúng như anh đã thừa nhận. Những người ở độ tuổi của anh, đã lỡ làng, và cảm thấy hụt hẫng vì không theo kịp sự phát triển của Internet không phải là ít. Tuy nhiên, việc tiếp cận những kiến thức mới và ứng dụng chúng vào công việc, vào cuộc sống của mình không bao giờ là muộn.

Tôi tin rằng các bạn trẻ sẽ cùng giúp những người như anh đi trên chặng đường mới đầy niềm vui và hiệu quả. Mười lăm năm sau, ai biết mọi việc sẽ đi tới đâu, các bạn nhỉ?

P.H. Nhân
eChip 357 - 16/11/2012 - Kỷ niệm 15 năm Internet Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét