Quan hệ khách hàng


Tôi phục sếp tôi sát đất!

Thứ nhất, ông có tầm nhìn xa trông rộng.

Đơn vị nọ có kế hoạch lắp đặt nguyên hệ thống mạng máy tính trị giá vài tỷ đồng, ông biết ngay. Nhìn xa trông rộng ở chỗ không phải bây giờ mà là hơn một năm sau kế hoạch mới triển khai, nhưng giờ đây ông đã biết. Ông còn biết cả người sẽ chịu trách nhiệm cho hệ thống này là ai, tên gì, mấy tuổi, nhà ở đâu, gia cảnh ra sao nữa. (Từ đây về sau ta cứ gọi anh này là anh A đi nhé!)

Thứ hai, ông rất chuyên nghiệp trong quan hệ khách hàng.

Khi đã biết anh A là người chịu trách nhiệm chính, đích thân sếp cùng nhân viên (là tôi) đến tận nhà anh để làm quen, không quên mang theo một món quà (mà sếp đã tự mình tìm hiểu để chọn cho đúng sở thích của anh). Dù anh A đã khéo léo từ chối, nhưng sếp vẫn không lấy thế làm buồn, ông cử tôi luôn theo sát anh A để tìm hiểu về anh.


Cùng lúc với công ty tôi có nhiều công ty máy tính khác cũng tìm cách tiếp cận với anh A. Ôi dào, họ làm sao qua được sếp tôi! Bản lĩnh của ông được thể hiện ở chỗ này. Có người tiếp cận với cấp trên của anh A, hòng thông qua họ tác động đến anh. Sai bét! Sếp biết chắc là cấp trên đã ủy nhiệm toàn bộ việc này cho anh A, việc nhờ cấp trên tác động là vô nghĩa! Có người mượn cớ đến làm việc để rủ anh A đi nhậu. Sai bét! Anh A đâu có khoái đi nhậu, vì anh cho rằng ăn nhậu là mất thời giờ, anh là người của công việc cơ. Lại có công ty cử một em nhân viên chân dài tới nách đến gặp anh A, hòng dùng mỹ nhân kế làm xiêu lòng anh. Lại sai bét! Anh A đã có vợ con, và không phải dạng người ham mê chân dài.

Sếp cử tôi tiếp cận anh A. Tôi không phải chân dài, cũng không phải tay ăn nhậu, tôi chỉ là một thằng sinh viên mới ra trường vài năm nhưng ham học hỏi, làm việc. Tôi thường xuyên đến thăm và uống cà phê với anh A, trò chuyện về công nghệ, về kinh doanh – đó chính là điều anh A thích. Gần cả năm trôi qua, tôi coi anh A như người bạn, người anh lúc nào chẳng rõ.

Thứ ba, sếp của tôi là người có nghĩa có tình.

Mẹ anh A bị bệnh nặng. Tôi báo cáo sếp. Sếp vội vã hỏi thăm tình hình, rồi tự suy tính như chính mẹ mình có bệnh. Sếp xác định bệnh tình, chọn bệnh viện phù hợp rồi tức tốc mang xe của công ty đến để đưa mẹ anh vào bệnh viện ấy. Sếp còn liên hệ trực tiếp với các bác sĩ ở bệnh viện để gửi gấm, nhờ chăm sóc mẹ anh cho chu đáo. Sếp lại cử nhân viên (là tôi) thường xuyên đến thăm mẹ anh trong bệnh viện. Tôi thấy anh A rất bùi ngùi cảm động.

Không may, mẹ anh A không qua khỏi.  Sếp đích thân đến viếng tang, rưng rưng quỳ lạy bên linh cửu bà cụ. Tôi thấy anh A lạy trả với một niềm xúc động lớn.

Ngày triển khai kế hoạch lắp đặt thiết bị sắp đến. Thử hỏi với nghĩa cử ấy, với tấm tình ấy của sếp, anh A còn có thể chọn đối tác cung cấp nào ngoài công ty của tôi nữa chứ?

Bất ngờ xảy ra, anh A chẳng may gặp tai nạn giao thông và tử vong. Tôi nhận tin từ vợ anh mà điếng cả hồn, vì từ lúc nào tôi đã xem anh như người anh của mình.

Tôi vội báo tin cho sếp. Với một con người có tình có nghĩa như sếp, với câu nghĩa tử là nghĩa tận,  tôi không mảy may nghi ngờ là sếp sẽ đến chia buồn cùng tang quyến anh, như ngày nào đã hết sức xúc động viếng tang mẹ anh.

Nhưng không, mặt sếp lạnh tanh. Sếp hỏi: Đứa nào thay nó? Toi công cả năm!

Sếp gọi điện đâu đó, xác định rằng anh B sẽ tạm thay anh A trong công việc. Sếp nhếch mép cười, nói nhỏ: Thằng này dễ, cho một em chân dài tới là xong ngay!

Sếp không đến dự đám tang. Còn tôi, tôi một mình đến viếng tang anh. Tôi phải viếng vào ban đêm vì sếp không cho đi trong giờ làm việc. Cũng được, tôi sẽ thắp nhang kính viếng hương hồn anh và ở bên anh suốt đêm cho trọn tình trọn nghĩa, vì dù sao anh cũng là người anh của tôi mà!
__________________
Siêu thị Số - số 67, tháng 12/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét