Ngày xưa có một làng ăn trộm…

Ngày xửa ngày xưa có một tên ăn trộm. Không, không phải một tên ăn trộm mà là cả một làng ăn trộm. Nghe nói rằng thuở ban sơ cụ tổ của làng ăn trộm này chỉ ăn trộm vì một lý do duy nhất: cụ nghèo quá, không có gì để sinh sống. Cụ trộm của cải của một lão phú hộ, vì nghĩ rằng lão phú hộ này giàu quá, mình lấy mất một ít chả thấm tháp gì, có khi lão ta cũng chả biết.


Năm tháng trôi qua, dần dà rồi cả làng cùng ăn trộm. Cái lý do nguyên sơ là ăn trộm vì nghèo quá vẫn còn đó, nhưng phân tích cho thấy rằng còn những lý do khác nữa khiến người ta ăn trộm. Tạm thời, có thể phân ra 3 dạng ăn trộm như sau:
  • Ăn trộm vì nghèo, giống như ông tổ năm xưa. 

  • Không nghèo nhưng vẫn ăn trộm. Những người này lý luận rằng: mặc dù mình có dư dả tiền bạc để khỏi phải đi ăn trộm, nhưng đứa khác nó ăn trộm được mà mình không làm vậy thì có phí của trời không? Thôi thì cứ ăn trộm để mình càng giàu thêm. 
  • Ăn trộm vì… khoái ăn trộm, xem việc trộm được là một thành tích đáng khen ngợi. Nhà phú hộ càng kín cổng cao tường, bảo vệ nghiêm ngặt thì những kẻ này càng thấy hãnh diện nếu vẫn chui vô trộm được. Trên thực tế, chính những tên trộm này mới là những kẻ trực tiếp đi trộm, và đem của cài ra chia chác cho những tên trộm dạng 1 và 2 nói trên. 
Về phía lão phú hộ, ngày xưa chỉ có một tên trộm thì có thể không biết, nhưng ngày nay cả làng ăn trộm, của cải suy giảm đáng kể thì sao mà không biết được chứ? Nhưng biết là một chuyện, ngăn cản được bọn trộm lại là chuyện khác. Lão làm đủ mọi cách: thuê bọn vệ sĩ, nuôi chó berger giữ cửa… là biện pháp cứng, rao giảng đạo đức là biện pháp mềm. Không ăn thua! Trộm vẫn cứ trộm!

Thế rồi đột nhiên một ngày nọ lão phú hộ tuyên bố: Thôi, ta không bắt trộm nữa. Các anh muốn lấy đồ nhà ta để xài thì cứ tự nhiên, ta cho phép.

Những đồ đạc quý giá lão phú hộ vẫn giữ kỹ, nhưng những thứ cơ bản như cơm gạo, mắm muối phục vụ cơ bản cho cuộc sống dân làng thì cho thoải mái trộm. Chó berger nhốt vô chuồng, vệ sĩ nghỉ việc bớt.

Cả làng ăn trộm xôn xao trước tin này, tự hỏi: Vì sao lão phú hộ lại hào phóng như vậy?


Tui cũng là người tò mò vì chuyện này, nên tìm dịp hỏi lão phú hộ cho rõ nguyên do.

  • Tại sao ông lại hào phóng tặng của cải cho dân làng?

  • Ai nói anh ta tặng? Ta bảo là cho họ thoải mái trộm, có nghĩa là ta không rình bắt thôi, nhưng bản chất họ trộm vẫn là trộm. Họ hoàn toàn chịu mọi hệ lụy về hành động trộm của họ.
Ổng lại kề tai tui nói nhỏ: Ta có rình thì họ cũng vẫn trộm mà ta có bắt được đâu. Chi bằng công khai cho họ lấy như vậy cho nó… hoành tráng.

Ông nói tiếp: Cái bọn thích trổ nghề ăn trộm thì sẽ cụt hứng, vì bây giờ của cải sờ sờ ra đó, ai muốn chôm thì chôm. Chúng sẽ chẳng có cơ hội làm anh hùng, rồi sẽ chán mà bỏ nghề. Còn những kẻ nhà giàu mà thích xài đồ ăn trộm sẽ thấy quê độ khi mình công khai xài đồ chôm chỉa (xin nhắc lại là dù ta không rình bắt, nhưng vẫn xem như những người lấy đồ của ta là bọn trộm cắp). Vì sĩ diện, họ sẽ tự động trả tiền cho ta thôi.

  • Còn những người nghèo thật sự?
Lão phú hộ thở dài:
  • Thôi thì vẫn chấp nhận cho bọn họ, như làm phước vậy mà. Nhưng xin nhớ, vẫn là trộm đó nhé. Khi nào khá giả thì phải trả tiền cho ta.

Vậy là tui đã rõ thâm ý của lão phú hộ. Xin nói thêm: Lão sống ở một điền trang mênh mông mang tên Microsoft. Những của cải của lão cho dân làng trộm xài thoải mái mang tên Bản nâng cấp Windows 10. Còn dân làng trộm là ai à? Tui đâu biết! Chuyện đời xưa thôi mà!

Hai Ẩu
eChip M! 493 - 1/4/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét