Điều cụ Chu văn An chưa biết

Xe dừng trước cổng Văn miếu, đoàn gồm những nhân vật ăn mặc rất bảnh bao xin vào diện kiến cụ Chu văn An, bậc tôn sư của muôn đời.

Nhà giáo Chu văn An ra tiếp khách, cụ rất ngạc nhiên nhìn các vị khách xa lạ, chẳng biết là ai. Không phải là đám sĩ tử học trò cũ của thầy từ trước đến nay, cũng không phải là các nhà sư phạm thường đến xin ý kiến của thầy về sự nghiệp giáo dục.



Chừng như hiểu ý cụ Chu, một vị khách lên tiếng:
  • Kính thưa thầy, chúng tôi là những con người có tâm huyết với nền giáo dục nước nhà. Nay chúng tôi có một phương án giúp hiện đại hóa và phát triển giáo dục trẻ em, nên đến đây kính xin thầy góp cho vài ý kiến ủng hộ để phương án sớm thành hiện thực.
Cụ Chu văn An nghe vậy hết sức vui mừng, đề nghị đoàn khách hãy trình bày phương án để cụ tỏ tường. Khách trình bày phương án của mình. Đó là phương án lớp học thông minh, mỗi cháu tiểu học khi đến trường thay vì mang vác nặng chỉ cần đem theo một máy tính bảng, trong đó có bộ sách giáo khoa điện tử. Đây là giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin cực kỳ hiệu quả.

Cụ Chu văn An nghe xong tỏ ra trầm ngâm suy nghĩ. Khách thấy thế vội hăng hái giải thích thêm:
  • Có lẽ thời đại của cụ đã xưa quá rồi nên cụ chưa biết thế nào là máy tính bảng, thế nào là sách giáo khoa điện tử. Chúng tôi xin được giải thích thêm…
Cụ Chu khoác tay:
  • Ồ không, ta biết quá rõ ấy chứ. Ta còn biết là cách đây ít lâu có một công ty nào đó cho ra đời máy tính bảng dạng sách giáo khoa điện tử (không biết có phải công ty của các vị không) nhưng chưa được sự hưởng ứng của phụ huynh. Điều ta băn khoăn ở đây là nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy việc sử dụng máy tính bảng của lứa tuổi từ 12 trở xuống sẽ mang đến nhiều tác hại…
Các vị khách vội phản ứng ngay:
  • Ồ, chắc cụ đã đọc phải các bài báo quá khích rồi. Chính Steve Jobs khi phát minh ra máy tính bảng đã nghĩ ngay rằng đó sẽ là một công cụ hữu ích cho trẻ con. Steve mong muốn sau này mỗi đứa bé đi học sẽ chỉ cần dem theo một cái iPad thôi, chả cần tập vở, cặp sách gì cả.
  • Đó là ước muốn của nhà công nghệ. Tuy nhiên, gần đây nghiên cứu của Học viện Y khoa trẻ em Mỹ và Hội Y khoa Trẻ em Canada xác định rằng không nên cho trẻ từ 0 đến 2 tuổi tiếp xúc với bất kỳ công nghệ điện tử nào. Trẻ 3-5 tuổi sử dụng 1 tiếng/ngày, 6-18 tuổi giới hạn ở mức 2 tiếng/ ngày. Họ đã chứng minh rằng máy tính bảng gây nhiều tác hại cho trẻ em như: ảnh hưởng đến việc phát triển não bộ, làm chậm phát triển cơ thể, gây các chứng bệnh về tinh thần…
Không đợi phản ứng của các vị khách, cụ Chu văn An tiếp:
  • Gần đây rất nhiều ý kiến nêu lên rằng con người không nên quá lệ thuộc vào thiết bị điện tử, phải tiếp xúc với nhau, phải hòa mình với thiên nhiên… Người lớn còn như vậy, huống chi là trẻ con là tuổi đang lớn, đang cần tiếp xúc với thế giới bên ngoài…
  • Nhưng chúng ta cần phải hiện đại hóa, cần phải ứng dụng công nghệ thông tin để nâng tầm cho lớp trẻ.
Cụ Chu nói:
  • Tạm gác qua chuyện ấy, điều ta băn khoăn là: kinh phí cho phương án có lớn không? Lấy đâu ra nguồn kinh phí ấy?
  • Thưa thầy, kinh phí có nhiều nhặn gì đâu, chỉ chừng vài ngàn tỷ đồng thôi à!
  • Các vị tài trợ kinh phí ấy à? Chứ ngân sách lấy đâu ra tiền khi nhà trẻ còn chưa có đủ khiến trẻ con bị bạo hành, nhiều trường học cơ sở vật chất thiếu thốn…
  • Ồ không, chúng tôi chỉ bán máy, bán phần mềm thôi. Kinh phí là của nhà nước và xã hội hóa ạ!
Cụ Chu văn An lắc đầu, vẻ như không muốn nói chuyện nữa hoặc là không biết phải nói gì.

Về phía đoàn khách, họ tỏ ra mất kiên nhẫn khi phải tiếp chuyện với một ông già khó tính nên bỏ ra về. Có lẽ họ sẽ đi gặp nơi khác, vì có những điều cụ Chu văn An chưa biết, mà có lẽ chẳng bao giờ biết.

Hai Ẩu
eChip M! 467 - 27/08/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét