Văn Mánh làm nghề kinh doanh thiết bị IT đã lâu năm. Thẳng thắn mà nói, hắn thành công trong nghề: kiếm được khá nhiều tiền; không thẳng thắn (tức là quẹo quẹo) mà nói, phương pháp kiếm tiền của hắn khá… lưu manh!
Hồi thị trường còn nhiểu nhương, Văn Mánh nhập hàng second-hand về, pô-luya chút đỉnh rồi bán lại với giá trên trời. Khi hàng second-hand không còn được giá như trước nữa, hắn chuyển sang nhập hàng giả, hàng dòm và bán với giá hàng xịn. Rồi thời kỳ đó cũng qua, khi các nhà sản xuất chính hãng đều có mặt tại Việt Nam và kiểm soát hàng hóa chặt chẽ, cộng với các kênh thông tin hướng dẫn tiêu dùng rất phong phú trên mạng khiến hắn khó lòng lừa được khách hàng nữa.
Vốn là người thông minh, Văn Mánh đâu chịu thua, hắn suy nghĩ chọn hướng kinh doanh khác. Cần phải bán thứ gì đó mà người ta sẵn lòng mua, còn mình không phải bỏ vốn. Hắn đã tìm ra thứ hàng hóa đặc biệt đó: Đó chính là lòng hảo tâm.
Trên mạng Internet, Văn Mánh thấy thỉnh thoảng người ta nêu lên một hoàn cảnh thương tâm nào đó và kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng mạng. Bản chất con người vốn thiện, nên nhiều người đã vô tư đóng góp để giúp đỡ kẻ bất hạnh.
Thế là Văn Mánh dựng lên một trường hợp bệnh nan y, nghèo túng, đang cần sự góp sức của xã hội. Hắn post thông tin đó lên những diễn đàn, mạng xã hội mà hắn có tham gia, kèm theo số tài khoản của... chính mình. Không nhiều thì ít, Văn Mánh câu được một số... cá có lòng thương người (cái hình ảnh câu cá này là do Văn Mánh nói, chứ không phải tui nói à nghen!).
Từ phi vụ này, Văn Mánh tự cảm thấy mình có khiếu hoạt động xã hội, làm PR. Thế là hắn mở ra dịch vụ làm PR.
Khách hàng của Văn Mánh là Văn Mển. Văn Mển là chủ một cơ sở đào tạo tin học nhỏ, sau bao nhiêu năm dạy học, dàn máy thực tập đã rệu rã. Văn Mển đã sửa chữa, nâng cấp không biết bao nhiêu lần... đến mức cuối cùng phải thanh lý thành đống sắt vụn, bán lạc-xoong nó cũng không thèm mua. Mánh bèn hiến kế PR cho Mển:
- Dàn máy ông bỏ đi là mấy cái?
- Khoảng 20!
- Vậy bây giờ tui bày cho ông: đem 20 máy này tặng cho học sinh nghèo vùng sâu vùng xa. Tui sẽ giới thiệu Cơ sở Tin học Văn Mển là nhà hảo tâm. Ông sẽ được đánh bóng tên tuổi!
- Trời, máy hư rồi, có chạy được đâu mà tặng?
- Cần quái gì chạy được? Miễn còn ra hình thù cái máy là được. Kiếm mấy cái thùng mới mới bỏ vô. Ai đi kiểm tra lòng hảo tâm mà lo chứ!
Thế là Văn Mánh làm môi giới cho Văn Mển làm nhà từ thiện tặng 20 máy tính cho học sinh nghèo. Văn Mển được tiếng thơm, và tăng được học sinh nhờ chiêu PR độc đáo này. Còn Văn Mánh thì được Văn Mển cảm ơn bằng cái phong bì.
Sau đó ít lâu, Văn Mánh quyết định nâng tầm PR của mình lên một cấp. Hắn ghé thăm Văn Mển, và thấy một bộ máy cũ xì. Máy này từ thời... thượng cổ, CPU đời 386, 486 gì đó, bộ nhớ là 256 MB, đĩa cứng 20 MB, lại còn cái ổ đĩa mềm 1.44 MB nữa chứ! Dĩ nhiên là máy chẳng còn xài được vô việc gì.
Văn Mánh mắt sáng rỡ, hiến kế ngay:
- Tui bày cho ông bán cái máy đời cô Lựu này với giá 100 triệu!
- Hả? 100 đồng hay 100 triệu?
- 100 triệu, hoặc hơn!
Thế là Văn Mánh vẽ ra một kế hoạch: Sáng tác ra một câu chuyện ly kỳ về truy tìm cổ vật. Tìm được CPU ở nơi rừng thiêng nước độc này, cái màn hình ở chốn sơn lâm cùng cốc kia, bàn phím ở sa mạc hoang vắng, con chuột ở núi đá cheo leo. Cuối cùng ra được bộ tứ linh đáng giá... 100 triệu.
Kế tiếp là dụ người ta mua. Bằng cách đưa vào đấu giá trong một cuộc đấu giá từ thiện với giá khởi điểm là 100 triệu. (Lại từ thiện, vì đã nói rao bán lòng hảo tâm là sướng nhất mà). Văn Mánh sẽ làm cò mồi trả giá lên đến... 200 triệu để dụ... mấy thằng khùng trả giá cao hơn.
Kế hoạch là vậy,và Văn Mánh đã thực hiện đúng như vậy. Nghe đâu là sau khi Văn Mánh đấu giá được 200 triệu thì... thắng, vì không ai trả giá cao hơn. Vậy là Văn Mánh phải bỏ ra 200 triệu? Không, có hề gì, Văn Mánh viện lý do này nọ để từ chối trả tiền. Dù sao thì Văn Mánh và Văn Mển cũng đều đã được trực tiếp truyền hình trên TV trong phiên đấu giá đó mà! Quảng cáo vậy mới là siêu chứ!
Hiện giờ Văn Mánh vẫn đang tiếp tục thực hiện các phi vụ mua bán lòng hảo tâm theo kiểu đó. Slogan của hắn là: Ai mua Tâm, tôi bán Tâm cho!
_________
eChip số 268 - 31/12/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét