Chuyện ông bụt (2)

Ngày xửa ngày xưa, có một chú bé nhà nghèo, mồ côi cha mẹ. Ngày chú phải vào rừng đốn củi, mang ra chợ đổi gạo mưu sinh. Đêm đến, chú cặm cụi bên chiếc máy tính second-hand, dùi mài kinh sử, chờ đến khoa thi.

Của cải cha mẹ để lại cho chú chỉ có một chiếc máy tính second-hand, hư lên hư xuống nhưng vẫn khả dĩ sử dụng được. Khổ nỗi, có những lúc cần in ấn luận văn, tài liệu chú phải chép vào đĩa mềm rồi mang ra tận kinh thành để thuê in. Vừa tốn tiền thuê máy, vừa mất thời giờ đi xa, lại mất cả một ngày kiếm củi đổi gạo.


Một hôm, dù rất gấp in tài lệu để học, nhưng nhà không còn gì để ăn, chú đành vác búa vào rừng đốn củi. Sau một buổi trời mệt nhọc, nghĩ tủi cho phận mình lao đao vất vả, chú ngồi dưới gốc cây khóc tỉ tê. Đúng lúc đó, ông bụt xuất hiện. Ông đến bên chú bé, ôn tồn hỏi:

  • Này chú bé kia, vì sao con lại khóc?
  • Ôi, ông bụt ơi, ông hãy giúp con có một chiếc máy in để lo việc học hành. Con ngày ngày đốn củi, kiếm chẳng được bao nhiêu tiền, mà máy in lại đắt quá. Đại hạ giá rồi mà vẫn gần hai trăm đô một cái, làm sao con mua nổi?
  • Tội nghiệp cho con quá, ta sẽ giúp cho con. Chẳng những giúp cho con một máy in mà còn là máy in màu nữa chứ chẳng phải máy in đen trắng đi. Nào, hãy nhắm mắt lại đi. Hô biến!
Khi chú bé vừa mở mắt ra đã thấy xuất hiện bên cạnh mình một chiếc máy in phun màu. Mừng rỡ, chú hỏi ông bụt:
  • Ông ơi, cái này là của con đây sao?
  • Của con chứ còn ai nữa! Nhưng ta không tặng không cho con đâu, ta chỉ bán cho con với một giá rẻ mạt, rẻ hơn mọi máy in đang có trên đời, chỉ năm mươi đô thôi. Và con cũng chẳng cần phải trả tiền ngay mà chỉ cần trả góp. Mỗi ngày ta sẽ lấy một ít củi của con để trừ dần. Con đồng ý chứ?
  • Dạ, con đồng ý. Con cảm ơn ông bụt.

Thế là từ đó chú bé có chiếc máy in để phục vụ việc học hành, nhưng cũng phải làm lụng vất vả hơn để có thêm củi giao cho ông bụt. Mọi việc cũng khá thuận lợi, vì giá máy in cũng chẳng đáng là bao nên chỉ ít lâu là chú bé đã thanh toán đủ cho bụt. Ngay lúc đó, một chuyện khác xảy ra: máy in hết mực!
Đúng là bụt, ngay khi chú bé đang rầu rĩ không biết làm sao để in thì bụt đã xuất hiện. Ông ân cần hỏi:
  • Này con, có phải con cần mực in không? Ta đến giúp con đây!
Và ông đưa ra một hộp mực màu. Nhớ lần trước, chú bé rụt rè hỏi:
  • Ơ, thưa bụt, thế… thế bao nhiêu tiền ạ?
  • Con ngoan lắm, ba mươi đô một hộp con ạ. Và cũng như lần trước, con chỉ cần góp củi để trả cho ta.
Chú bé nhủ thầm: Hừm, máy in thì có 50 đô thôi mà hộp mực tới 30 đô lận. Nhưng chẳng lẽ không có mực thì lấy gì mà in, vả lại cứ góp củi trả từ từ cũng được. Thôi, chấp nhận vậy.
Mọi việc cứ diễn ra như thế. Máy in không bao lâu lại hết mực. Bụt lại xuất hiện. Chú bé lại góp củi trừ nợ. Có khi chú cần giấy để in, giấy thường thì in không đẹp, bị lem mực, giấy của bụt mới đạt yêu cầu. Và bụt lại hiện ra. Chú bé có giấy, bụt có củi.

Góp củi mãi rồi cũng có lúc thành tài. Đến một ngày chú bé đỗ đạt vinh quy. Bụt hiện ra chúc mừng. Chú bé nói:
  • Con xin cảm ơn bụt đã giúp con có được ngày hôm nay. Nhưng thú thiệt, con cảm thấy là cả năm qua con tốn cho bụt không biết bao nhiêu là tiền mực, tiền giấy…
  • Con ơi, nhưng nếu không như thế thì con đâu có cơ hội thành tài như ngày hôm nay. Ta cũng thú thiệt với con, ngoài nghề làm bụt ta còn làm đại lý cho nhà sản xuất máy in và mực in. Ta cũng xin cảm ơn con, nhờ con mà ta có thêm một khách hàng cho nhà sản xuất…
____
Các cháu thiếu nhi thân mến, câu chuyện cổ tích đến đây là hết. Bài học mà chúng ta rút ra từ câu chuyện này là:
  • Bụt nói chung là tốt, nhưng không chỉ tốt với chúng ta mà bụt còn phải tốt với chính mình nữa.
  • Có nhiều phương án đầu tư, có cái tốn tiền một lần, có cái tốn tiền nhiều lần. Khi đầu tư chúng ta phải tính được giá thành tổng thể (TCO: Total Cost Ownership) để có được giải pháp thích hợp nhất.
Xin tạm biệt các cháu, hẹn gặp lại trong câu chuyện kỳ sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét